Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kbang (Gia Lai): Điểm sáng trong công tác đào tạo nghề vùng đồng bào DTTS

Thuỳ Dung - 08:00, 05/08/2022

Thời gian qua, nhằm giải quyết việc làm cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, huyện Kbang (Gia Lai) luôn chú trọng đào tạo nghề nông thôn. Từ đó giúp người dân nâng cao trình độ kiến thức trong nhiều lĩnh như trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy móc,… hướng đến giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Mô hình trồng rau an toàn của học viên làng Lợt (xã Kông Pla) sau khi tham gia khóa đào tạo nghề
Mô hình trồng rau an toàn của học viên làng Lợt (xã Kông Pla) sau khi tham gia khóa đào tạo nghề

Hiệu quả từ đào tạo nghề nông thôn

Hơn một tháng tham gia lớp đào tạo nghề nông thôn về “trồng rau an toàn” Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Kbang, tỉnh Gia Lai tổ chức, hơn 30 chị em người Ba Na ở làng Lợt (xã Kông Bờ La, huyện Kbang) đã biết cách trồng rau theo tiêu chuẩn Viet GAP để phục vụ gia đình. Chị Đinh Thị Rim (làng Lợt) cho biết: Thông qua khóa học, tôi và các chị em trong làng đã biết trồng và chăm sóc rau cho năng suất cao. Chúng tôi biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng thay thế cho phương pháp trồng rau truyền thống, kém hiệu quả. Thông qua lớp học, chúng tôi đã biết cách làm đất, bón phân, quản lý dịch hại, thu hoạch và bảo quản rau hiệu quả. Nhờ vậy, sau khóa học này các chị em học viên đều có thêm kiến thức, kinh nghiệm để trồng rau sạch phục vụ gia đình và bán ra ngoài thị trường để tăng thêm thu nhập.

Các học viên của lớp sửa chữa máy cày công suất nhỏ ở thôn 3 (xã Kông Pla) đang thực hành sửa chữa
Các học viên của lớp sửa chữa máy cày công suất nhỏ ở thôn 3 (xã Kông Pla) đang thực hành sửa chữa

Cũng tham gia lớp đào tạo nghề nông thôn do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kbang mở tại thôn 3 (xã Kông Bờ La) anh Đinh Thách cũng là một trong những học viên tiêu biểu. Sau hơn 1 tháng tham gia khóa học sửa chữa máy cày công suất nhỏ, anh Thách đã biết vận dụng kiến thức vào thực tế để phục vụ gia đình. Anh Đinh Thách chia sẻ: “Trước đây, thanh niên trong làng rất ít quan tâm đến lĩnh vực này và không biết sửa chữa nên khi hư hỏng đều mang vào tiệm rất tốn kém. Hiện nay, thông qua lớp đào tạo, chúng tôi đã biết sửa chữa máy móc của gia đình khi bị hư hỏng. Một vài học viên còn nhận sửa cho người dân địa phương, từ đó giúp tăng thu nhập cho gia đình.

Ở làng Mơ Hven Ôr (xã Kông Lơng Khơng), anh Đinh Văn Bồi là một trong những học viên có nghề nghiệp ổn định sau khi tốt nghiệp nghề nề của trung tâm GDNN-GDTX huyện Kbang. Hiện nay, anh là tổ trưởng của 2 tổ nề chuyên nhận các công trình xây dựng của bà con địa phương. Anh Đinh Văn Bồi chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp nghề nề mình đã được tạo điều kiện để thành lập tổ nề. Với vai trò là tổ trưởng, mình đứng lên kêu gọi những người có tay nghề cùng làm, nhận các công trình, xây dựng nhà cửa, hàng rào cho bà con tại địa phương. Nhờ được đào tạo nghề, đến nay mình và rất nhiều người trong làng đã có thêm thu nhập, có công ăn việc làm ổn định để phục vụ gia đình.

Anh Đinh Văn Bồi (bên phải) hiện nay là tổ trưởng của 2 tổ nề trên địa bàn xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang)
Anh Đinh Văn Bồi (bên phải) hiện nay là tổ trưởng của 2 tổ nề trên địa bàn xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang)

Theo thống kê của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kbang tính riêng năm 2022, toàn huyện đã mở được 5 lớp đào tạo nghề nông thôn, thu hút được 150 học viên là người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện với nhiều lĩnh vực như: Trồng rau an toàn; Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, thủy sản; Nuôi và phòng bệnh cho trâu, bò; Sửa chữa máy cày công suất nhỏ; Trồng và chăm sóc cây mắc ca.

Đòn bẩy đưa vùng đồng bào DTTS phát triển

Việc đào tạo nghề nông thôn đã mang lại nhiều lợi ích và ý nghĩa đặc biệt là trong vùng đồng DTTS ở huyện Kbang. Những lớp đào tạo nghề được mở ra đã giúp người dân nâng cao trình độ kiến thức, biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong lao động sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt năng suất và giá trị kinh tế cao, giúp tăng nguồn thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Dương Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kbang cho biết: Trong thời gian qua, huyện Kbang rất chú trọng đến công tác đào tạo nghề nông thôn trên nhiều lĩnh vực. Chúng tôi đã chọn lọc trọng tâm hai lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Sau khi dạy nghề xong, trung tâm sẽ phối hợp với UBND các xã để lồng ghép với các chương trình mục tiêu, giải quyết việc làm cho lao động sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề.

Từ phương thức trồng rau truyền thống sau khi tham gia khóa học Chị Đinh Thị Rim (bên trái) đã biết cách trồng rau theo đúng quy trình
Từ phương thức trồng rau truyền thống sau khi tham gia khóa học Chị Đinh Thị Rim (bên trái) đã biết cách trồng rau theo đúng quy trình

“Các đối tượng tham gia vào công tác đào tạo nghề chủ yếu là người dân thuộc các làng vùng sâu vùng xa, người đồng bào DTTS ít tiếp cận được khoa học kỹ thuật. Các lớp đào tạo nghề được mở ra, đã mang lại nhiều hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS. Vì trước nay người dân thường canh tác theo tập tục lạc hậu, kém năng suất. Đến nay, thông qua các lớp đào tạo nghề người dân đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật, biết sử dụng giống mới, chăn nuôi các con vật lai, biết sử dụng phân bón, trồng cây trồng mới như mắc ca, sầu riêng. Đồng thời, người dân biết sửa chữa máy móc tại nhà, từ đó giảm được chi phí, chủ động được thời gian. Việc dạy nghề cũng giúp giữ chân lao động tại địa phương giúp cho họ không phải ly hương tìm công việc khác, tránh việc bị dụ dỗ qua nước ngoài làm việc”, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kbang thông tin thêm.

Ông Y Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Thời gian qua, nhằm giúp người dân có công việc ổn định, huyện luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề. Tính từ năm 2015 đến nay huyện đã mở được 76 lớp với 2.069 học viên, phần lớn là người đồng bào DTTS trên địa bàn. Sau khi được đào tạo nghề xong, người dân đã biết áp dụng các kiến thức đã học vào hoạt động nông nghiêp như trồng trọt, chăn nuôi, phòng bệnh cho trâu bò, sửa chữa máy móc,… từ đó đảm bảo thu nhập ổn định cho gia đình.

“Một số xã có người lao động tham gia học nghề thợ nề, hướng dẫn viên du lịch,… đã liên kết với nhau để tạo việc làm, kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, Trung tâm GDNN-GDTX cũng phối hợp với các Trường đào tạo nghề trung cấp để mở lớp trung cấp thú y, trung cấp lâm sinh,… liên kết giới thiệu việc với các trang trại, Công ty Lâm nghiệp để giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang thông tin thêm.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.