Phòng xét nghiệm này do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ với các thiết bị chính như hệ thống điều hòa không khí, hệ thống xử lý nước thải và nồi hấp hai cửa, với tổng giá trị 200 triệu yên (gần 40 tỷ đồng).
Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh Hoàng Quốc Cường cho biết, Phòng xét nghiệm an toàn sinh học được xây dựng từ tháng 6/2021. Trong quá trình xây dựng, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn do tình hình đại dịch Covid-19 cũng như cách ly toàn xã hội, được sự giúp đỡ nhiệt tình của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), JICA và bên thi công, công trình đã hoàn thiện trong vòng nửa năm.
Với mục tiêu chính giúp Việt Nam xử lý và đối phó an toàn với các mầm bệnh nguy cơ cao, nguồn vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản đã hỗ trợ xây dựng phòng BSL-3 cho NIHE vào năm 2006, phòng thí nghiệm BSL-3 di động tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, đồng thời nâng cao năng lực cho hệ thống phòng xét nghiệm.
Theo ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, trước đây, phòng thí nghiệm BSL-3 di động của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chưa đủ lớn nên việc xử lý số lượng mẫu bệnh phẩm còn hạn chế. Sự hỗ trợ lần này của JICA sẽ giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa khả năng đối phó với các bệnh truyền nhiễm.
Hiện tại, trong dự án “Nâng cao năng lực cho hệ thống phòng xét nghiệm an toàn sinh học và xét nghiệm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (2017-2023)", 3 chuyên gia Nhật Bản đang làm việc với mục tiêu nâng cao năng lực cho hệ thống phòng xét nghiệm tại NIHE và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, những cơ quan xét nghiệm chủ chốt tại Việt Nam.
Từ tháng 11/2021, hoạt động đào tạo về vận hành phòng thí nghiệm cho nhân viên Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã được tiến hành với sự hỗ trợ của NIHE, Viện Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm tại Nhật Bản và ông Miki Hideki, chuyên gia Nhật Bản đang làm việc tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh.
JICA sẽ tiếp tục làm việc dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Nhật Bản để hỗ trợ Việt Nam các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.