Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 34,4 triệu ca mắc và hơn 618.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 8.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Mỹ cảnh báo, biến thể Delta rất dễ lây lan và đang là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực chống dịch của nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ khẳng định, mối đe dọa nguy hiểm này có thể được ngăn chặn bởi vaccine COVID-19.
Dữ liệu cho thấy, cứ hai tuần, số ca nhiễm do biến thể Delta ở Mỹ lại tăng gấp đôi. Trong vài tháng, thậm chí vài tuần tới, biến thể mới này có thể rất nguy hiểm tại các bang mà tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Giải pháp trước mắt của Nhà Trắng là đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng tập trung vào nhóm người độ tuổi từ 18 đến 26.
Hơn 65% người trưởng thành ở Mỹ được tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19. Mục tiêu Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt ra là tới ngày Quốc khánh Mỹ 4/7, có ít nhất 70% người trưởng thành tại Mỹ được tiêm có thể khó đạt được do số người đi tiêm đang giảm.
Chính phủ Mỹ đang chuyển trọng tâm tiêm vaccine phòng COVID-19 sang phần dân số dưới 30 tuổi. Thực tế là nước Mỹ đang hướng tới mục tiêu tiêm vaccine cho 70% dân số trưởng thành. Tuy nhiên, đối tượng người trẻ hiện vẫn chưa mặn mà với việc tiêm phòng bởi họ cho rằng, COVID-19 không ảnh hưởng lắm đến họ. Hiện biến thể Delta đang lây lan khắp nước Mỹ và tác động đến cả người trẻ, đây cũng là thực tế ở nhiều nước. Do đó, Chính phủ Mỹ đang tăng cường làm việc chặt chẽ với lãnh đạo các bang và địa phương để triển khai tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho lứa tuổi từ 18 đến 26 trong vài tuần tới. Theo Nhà Trắng, hiện hơn 70% dân số trên 30 tuổi của Mỹ đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19. Tỷ lệ mắc và tử vong vì COVID-19 ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ những ngày đầu đại dịch.
Biến thể Delta, còn được gọi là B.1.617.2, lần đầu tiên được xác nhận ở Ấn Độ, hiện đã được phát hiện ở 49 trong tổng số 50 bang tại Mỹ. Ước tính, biến thể này chiếm khoảng 20% tổng số ca nhiễm mới tại nước này.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 25/6, nước này ghi nhận hơn 50.700 ca mắc mới COVID-19 và 955 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 30,1 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 393.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 72.700 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh ở quốc gia này lên trên 18,2 triệu trường hợp. Con số trên cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại của dịch bệnh bất chấp nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Brazil hiện là quốc gia có số ca mắc mới, tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới tính theo ngày và đứng thứ hai thế giới về tổng số ca tử vong sau Mỹ với hơn 509.100 trường hợp.
Trong khi tình hình dịch bệnh tại Mỹ và hầu hết các nước giàu ghi nhận những chuyển biến tích cực do tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao hơn, Brazil và nhiều nước láng giềng Nam Mỹ đang bị cuốn vào đợt bùng phát mạnh nhất trong tháng 6. Thống kê của Bộ Y tế Brazil cho biết, chương trình tiêm chủng vaccine của nước này hiện chậm hơn nhiều nước khác. Cho tới nay mới chỉ 12% dân số được miễn dịch hoàn toàn.
Ngày 24/6, Nga ghi nhận số người đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước đến nay. Gần 60.000 người đã đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Moscow trong ngày qua. Chính quyền thành phố nhận định, đây là tín hiệu tốt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh lây lan nhanh và Moscow đang ở đỉnh dịch mới với khoảng 9.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tính đến thời điểm này, gần 21 triệu người dân Nga đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó gần 17 triệu người đã hoàn thành cả 2 mũi tiêm. Hiện Nga đang là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 6 trên thế giới với trên 5,3 triệu ca mắc và hơn 131.400 trường hợp tử vong.
Những nỗ lực nhằm đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng của Canada đã đưa quốc gia này đi đúng hướng để có thể sớm mở lại biên giới với Mỹ vào tháng 7 tới. Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đề ra mốc 75% người dân được tiêm chủng đầy đủ là ngưỡng để dỡ bỏ các hạn chế ở biên giới. Con số này hiện ở mức khoảng 20%.
Lịch trình cung cấp vaccine cho thấy khoảng cách để đạt được mốc 75% trên có thể sẽ được thu hẹp đáng kể trong tháng tới. Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng phụ trách mua sắm và dịch vụ công của Canada, bà Anita Anand, cho biết, tỷ lệ người Canada đã tiêm chủng đầy đủ có thể đạt 80% vào cuối tháng 7 tới. Ông Trevor Tombe, Giáo sư trường Đại học Calgary, dự đoán, có đến hơn 50% khả năng Canada sẽ đạt mốc đó trong khung thời gian trên. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của Chính phủ, Canada sẽ phải tăng đáng kể tốc độ tiêm chủng hiện vẫn nằm dưới mức 500.000 mũi tiêm/ngày.
Israel đang đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch lần thứ 4 với số ca mắc mới trong vài ngày qua liên tục vượt 100 người/ngày. Trong những ngày qua, biến thể Delta đã lây lan nhanh chóng ở Israel. Đáng chú ý, một số trường hợp nhiễm mới được báo cáo là ở những người đã được tiêm phòng COVID-19.
Để đối phó kịp thời với nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, chính quyền Israel đã thành lập Ban chuyên trách chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Naftali Bennett đứng đầu; đồng thời quyết định lùi việc mở các cửa khẩu biên giới đón khách du lịch đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 đến ngày 1/8, thay vì ngày 1/7 như kế hoạch trước đó. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Israel cũng khôi phục quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại sân bay và các cơ sở y tế.
Campuchia đã hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho hơn 2 triệu người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thủ đô Phnom Penh. Hiện nước này đang tiếp tục mở rộng chương trình tiêm chủng tại những địa phương bị lây nhiễm COVID-19 ở mức cao.
Tính đến ngày 23/6, Campuchia đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 3,5 triệu người, đạt gần 35% kế hoạch tiêm chủng cho hơn 10 triệu người từ 18 tuổi trở lên để đạt được miễn dịch cộng đồng. Sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia đang triển khai tiêm vaccine sang một số tỉnh như Kandal, Preah Sihanouk, Kampong Speu, Takeo... Ngoài ra, quân đội Campuchia cũng đang lên kế hoạch tiêm phòng cho công nhân ở hai tỉnh Kampong Cham và Svay Rieng, nơi có số ca mắc COVID-19 ở mức cao.
Theo thông báo vào ngày 24/6, Campuchia phát hiện thêm 655 ca COVID-19 và 18 người tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 45.300 trường hợp và 493 bệnh nhân thiệt mạng.
Bộ Y tế Lào cho rằng, nước này cần ít nhất 7,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để hoàn thành mục tiêu ít nhất 50% dân số được tiêm vaccine phòng bệnh trong năm 2021 và đến nay đã nhận được cam kết có trên 6,6 triệu liều vaccine. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 24/6, đại diện Bộ Y tế Lào cho biết, đã có trên 853.000 người tại Lào được tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19, tương đương 11,64% dân số, trong khi gần 500.000 người đã được tiêm mũi thứ 2, chiếm khoảng 6,7% dân số. Với trên 1,3 triệu mũi đã tiêm, Lào chỉ ghi nhận 104 ca có biến chứng và hầu hết là triệu chứng nhẹ, không có ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 4 ca mới, trong đó có 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ đô Vientiane và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.080 ca mắc COVID–19, trong đó có 3 ca tử vong.
Tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Nhật Bản đã đạt mức 1 triệu liều/ngày trong bối cảnh nước này đang nỗ lực thực hiện chương trình tiêm chủng đại trà cho người dân. Con số này là một mốc quan trọng mà Thủ tướng Suga Yoshihide đã đặt ra nhằm bảo đảo rằng, nhóm người cao tuổi chiếm phần lớn dân số Nhật Bản được tiêm chủng vào cuối tháng 7 tới và tất cả người trưởng thành được tiêm chủng vào tháng 11.
Theo số liệu thống kê, hiện chỉ có 18% trong tổng số 125 triệu dân Nhật Bản đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn, trong khi chỉ còn 1 tháng nữa sẽ diễn ra Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo.
Một nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) lên tiếng cảnh báo về tình trạng số ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng trở lại ở thủ đô Tokyo và một số tỉnh lân cận. Cảnh báo trên được đưa ra khi số ca nhiễm mới ở vùng thủ đô có xu hướng tăng trở lại sau khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh thành, trong đó có thủ đô Tokyo vào ngày 20/6.
Trong báo cáo trình lên Ban cố vấn MHLW ngày 23/6, nhóm chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 90% so với virus gốc, nhấn mạnh biến thể này đang tiếp tục lân lay và có thể chiếm tới gần 70% tổng số ca nhiễm mới ở Nhật Bản vào thời điểm khai mạc Olympic Tokyo, ngày 23/7 tới. Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) dự tính, biến thể Delta sẽ chiếm khoảng 50% trong tổng số ca nhiễm mới ở vùng thủ đô Tokyo vào đầu tháng 7. Các chuyên gia nhấn mạnh cần phải giảm lưu lượng người đi lại trên đường và giảm tiếp xúc giữa mọi người.
Ngày 24/6, Nhật Bản bắt đầu nới lỏng các quy định cách ly đối với những người đến từ một số nước châu Âu, khu vực Trung Đông và 6 bang của Mỹ. Cụ thể, những người đến từ CH Czech, Hungary, Lebanon và 6 bang của Mỹ gồm Connecticut, Iowa, Michigan, New York, Rhode Island và Tennessee sẽ không phải cách ly ở các cơ sở do Chính phủ Nhật Bản chỉ định sau khi nhập cảnh.
Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ cấm các chuyến bay chở khách từ Indonesia từ ngày 25/6 do lo ngại những người tới từ quốc đảo này có nguy cơ mắc COVID-19 rất cao. Hiện Hong Kong đã cấm các chuyến bay từ Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Philippines để phòng sự lây lan của dịch bệnh.
Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, lệnh cấm của Hong Kong chỉ mang tính "tạm thời" và các lao động nhập cư bị ảnh hưởng do chính sách mới nên liên lạc với những người sử dụng lao động. Hiện có hàng nghìn lao động nhập cư từ các nước như Indonesia và Philippines đang làm việc tại Hong Kong. Đến nay, đặc khu hành chính này đã ghi nhận 11.906 ca mắc COVID-19 và 210 người tử vong.
Indonesia ngày 24/6 ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay với hơn 20.500 trường hợp. Như vậy, tổng số ca nhiễm tại quốc gia này là hơn 2 triệu người, trong đó có gần 56.000 trường hợp tử vong.
Hiện Indonesia đang phải căng mình ứng phó với sự gia tăng của các ca nhiễm mới sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr vào tháng 5, thời điểm hàng triệu người trở về quê hay đi du lịch. Trước tình hình dịch hiện nay, Indonesia cũng đặt mục tiêu vào cuối tháng 8 tới sẽ tiêm chủng cho 7,5 triệu trong tổng số 10,5 triệu người dân ở Thủ đô Jarkata. Đến nay, thủ đô Jarkata đã tiêm chủng cho gần 18% dân số.
Chính phủ Malaysia ngày 24/6 đã quyết định kéo dài thời gian cách ly đối với du khách sau khi nhập cảnh. Theo đó, tất cả các du khách tới Malaysia đều phải tiến hành xét nghiệm RT-PCR 3 ngày trước khi khởi hành và nhập cảnh vào Malaysia. Du khách đến từ các nước phải cách ly bắt buộc tại trung tâm cách ly do Chính phủ Malaysia chỉ định, nhưng chỉ trong thời gian 14 ngày. Tuy nhiên, nếu kết quả đánh giá sau 14 ngày cách ly cho thấy cần phải cách ly thêm, du khách sẽ phải tiếp tục cách ly thêm 7 ngày nữa.
Cùng ngày, Malaysia báo cáo trên 5.800 ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, tổng số người nhiễm bệnh ở Malaysia là trên 716.800 ca, bao gồm hơn 4.700 trường hợp thiệt mạng.
Xác suất nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 cao hơn nhiều lần so với virus SARS-CoV-2 thông thường. Đây là kết quả của nghiên cứu mới được các nhà khoa học Nhật Bản công bố. Kết quả phân tích được siêu máy tính "Tomitake" thực hiện cho thấy, xác suất nhiễm biến thể Delta lần đầu phát hiện ở Ấn Độ cao gấp 2,5 lần so với virus SARS-CoV-2 thông thường.
Ở cùng một khoảng cách 2m, thời gian để tỷ lệ lây nhiễm lên mức 10% đối với chủng virus thông thường là 45 phút, trong khi với biến thể Delta chỉ là 20 phút. Với kết quả trên, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến cáo, do khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều lần của biến thể Delta, biện pháp phòng dịch quan trọng không chỉ là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách mà nên cố gắng rút ngắn thời gian tiếp xúc ở mức tối thiểu.
Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ có thể chiếm tới 90% ca mắc COVID-19 mới tại Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 8/2021. Theo ECDC, đến đầu tháng 8, sẽ có tới 70% số ca mắc mới tại EU nhiễm biến thể Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8. Để khống chế dịch bệnh lây lan, ECDC khuyến cáo cần đạt đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chương trình tiêm chủng. Các nước cũng cẩn trọng khi thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng dịch để hạn chế dịch bệnh tái bùng phát và lây lan.
Một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford (Anh) thực hiện đã khẳng định, vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca và liên doanh Pfizer-BioNTech vẫn có hiệu quả chống lại hai biến thể Delta và Kappa. Để có được kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra năng lực vô hiệu hóa các biến thể Delta và Kappa của kháng thể trong mẫu máu của người đã tiêm đủ hai mũi vaccine.
Ngoài nghiên cứu về hiệu quả của các các loại vaccine hiện có trong phòng chống COVID-19, các nhà khoa học của trường Đại học Oxford cũng đang phân tích các trường hợp tái nhiễm. Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy, bệnh nhân COVID-19 do nhiễm biến thể Beta phát hiện lần đầu tại Nam Phi và biến thể Gamma tại Brazil sau khi được điều trị vẫn có nguy cơ cao tái nhiễm biến thể Delta.
Ngược lại, biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên tại Anh lại có khả năng bảo vệ người khỏi bệnh trước nguy cơ tái nhiễm mọi loại biến thể. Do đó, Alpha có khả năng trở thành ứng cử viên tiềm năng để nghiên cứu và phát triển vaccine phòng ngừa biến thể mới một cách triệt để hơn.