Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Huyện Cư M’gar (Đăk Lăk): Điểm sáng trong thực hành tiết kiệm theo gương Bác

Lê Hường - 16:20, 26/02/2021

Những năm gần đây, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) được tỉnh và các cấp ngành đánh giá, công nhận là địa phương điển hình trong thực hiện phong trào tiết kiệm theo gương Bác. Thông qua việc phát động, triển khai các mô hình, Cư M’gar đã tiết kiệm nhiều tỉ đồng để xây dựng nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ con giống cho hộ có hoàn cảnh khó khăn; xây nhà vệ sinh cho các trường học vùng sâu.

Cán bộ, Đảng viên và Nhân dân xã Quảng Hiệp mỗi ngày tiết kiệm 1.000 đồng nuôi heo đất gây quỹ
Cán bộ, Đảng viên và Nhân dân xã Quảng Hiệp mỗi ngày tiết kiệm 1.000 đồng nuôi heo đất gây quỹ

Nhiều mô hình hay

Trong căn nhà kiên cố từ quỹ nuôi heo đất của xã, anh Trần Minh Phương, thôn Hiệp Thành, xã Quảng Hiệp xúc động kể lại: Năm 2013, anh không may bị tai nạn giao thông mất khả năng lao động. Một mình vợ phải đi làm thuê, làm mướn gồng gánh nuôi 7 miệng ăn; con gái lớn mới học lớp 9 đã phải nghỉ học phụ mẹ làm làm rẫy. Cả gia đình sống trong căn nhà xiêu vẹo, dột nát, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. 

"Khi đó, Đảng ủy xã đã trích nguồn quỹ nuôi heo đất hỗ trợ 40 triệu đồng cho gia đình làm nhà. Từ số tiền này, cùng sự giúp đỡ của người thân, hàng xóm gia đình anh đã xây mới có được căn nhà ở đàng hoàng", anh Phương xúc động nói.

Được biết, từ năm 2011, Đảng ủy, UBND, UBMTTQ xã Quảng Hiệp đã lập kế hoạch, vận động cán bộ công chức, đảng viên nuôi heo đất gây quỹ hỗ trợ người nghèo. Số tiền tiết kiệm được, xã trích ra xây nhà, sửa nhà hỗ trợ cây con giống cho hộ nghèo.

Thấy được ý nghĩa của việc nuôi heo đất, Nhân dân trong xã hưởng ứng làm theo. Nguồn quỹ từ nuôi heo đất ngày càng lớn, kịp thời giúp đỡ nhiều người khó khăn về nhà ở, hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa nhà, tặng cây con giống phát triển kinh tế. Từ một xã, nay phong trào “Nuôi heo đất” đã lan rộng ra roàn huyện Cư M’gar.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp cho biết: Đầu năm, xã sẽ phát heo đất cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đăng ký nuôi heo. Hộ nuôi heo tự giác bỏ mỗi ngày 1.000 đồng tiết kiệm. Đến ngày 17/10 hàng năm, xã tổ chức ngày hội đập heo đất, lấy số tiền nuôi heo xây dựng nhà ở, sửa nhà, hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi cho hộ nghèo.

Từ 2016 đến nay, xã Quảng Hiệp vận động nuôi được 2.251 con heo, với gần 1,7 tỷ đồng. Từ số tiền này, chính quyền đã làm mới và sữa chữa 26 ngôi nhà dột nát cho hộ nghèo, hỗ trợ 74 cặp dê sinh sản cho 49 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, mô hình đã lan rộng ra tất cả các xã và được Nhân dân thực hiện như việc làm thường xuyên.

“Chúng tôi rất mừng vì phong trào có sức lan tỏa ra cộng đồng. Năm 2017, có một đoàn từ thiện nước ngoài đến xã thấy mô hình hay, thiết thực với người nghèo nên đã tặng 5.000 USD cho 3 hộ nghèo xây nhà. Những năm qua, rất nhiều đơn vị đến đây học tập mô hình”, ông Ngô Minh Đức tự hào nói.

Lan tỏa sâu rộng

Từ hiệu quả ở xã Quảng Hiệp, năm 2012, Ban Thường vụ Huyện ủy Cư M’gar đã ban hành Công văn số 258-CV/HU về “Triển khai thực hành tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Theo đó, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia tiết kiệm 1.000 đồng/người/ngày. Đến nay, 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các đơn vị, tổ chức tham gia, với hơn 5.000 người. Số tiền tiết kiệm từ năm 2012 đến nay được hơn 13 tỷ đồng, huyện đã xây mới, sửa chữa nhà ở cho 344 gia đình chính sách, hộ nghèo.

Một khu nhà vệ sinh cho trường học được xây dựng từ nguồn vốn tiết kiệm
Một khu nhà vệ sinh cho trường học được xây dựng từ nguồn vốn tiết kiệm

Ông Nguyễn Thiên, Chủ tịch Mặt trận huyện Cư M’gar cho biết: Phong trào tiết kiệm theo gương Bác đã có sức lan tỏa sâu rộng. Hiện nay, 17/17 xã  của huyện đã triển khai mô hình nuôi heo đất gây quỹ. Trung bình mỗi năm, mô hình tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đồng. Số tiền này, dùng để xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ đầu tư sản xuất phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Ngoài phong trào tiết kiệm, từ năm 2019 đến nay, huyện Cư M’gar còn triển khai thêm 2 nội dung học tập làm theo gương Bác; đó là Chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn và vận động cán bộ, Nhân dân có điều kiện quyên góp xây dựng nhà vệ sinh cho các trường học vùng sâu, vùng DTTS chưa có nhà vệ sinh. Sau hơn 1 năm thực hiện, chương trình đã xây dựng được 14 nhà vệ sinh trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Để thực hiện Chỉ thị 05 ngày một hiệu quả hơn, huyện Cư M’gar đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai các phong trào tiết kiệm: xây dựng, sữa chữa nhà ở cho người nghèo; phấn đấu đến cuối năm 2021, tất cả các trường đều có công trình vệ sinh đảm bảo; tiếp tục cải cách hành chính, đặc biệt dịch vụ công lên cấp độ 3, 4. 

Ngoài ra, Ban thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cơ sở Đảng, tùy theo đặc điểm tình hình địa phương, đơn vị mình có những phong trào, việc làm thiết thực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.