Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Huyền bí những Pram

Tiêu Dao - 14:01, 03/03/2024

Họ xuất hiện trong dạng hình kỳ dị, trong huyên náo cuối cánh rừng giữa những gốc cây cổ thụ. Sự có mặt của họ như một phần tâm điểm của lễ Pơthi (Lễ Bỏ mả) hay dịp lễ hội của đồng bào các DTTS Tây Nguyên, đó là những Pram (người hóa trang) và Pơtual (người múa hề) mang đầy sự bí ẩn như chính vùng đất Tây Nguyên này.

Các Pram được hóa trang bằng đất sét, lá chuối, mặt nạ gỗ hay da bò... tiến dần về phía nhà mồ.
Các Pram được hóa trang bằng đất sét, lá chuối, mặt nạ gỗ hay da bò... tiến dần về phía nhà mồ.

Những hầu cận ở cõi A Tâu

Cao nguyên mùa gió chướng, nơi bắt đầu của những mùa lễ hội “ăn năm uống tháng”, mà tâm điểm là những Pơthi (lễ bỏ mả) đầy vui buồn và là lễ trọng nhất trong năm của miền sử thi này. Có lẽ không ở đâu người ta chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc như trong lễ Pơthi. Có những nỗi buồn sâu thẳm. Có những lưu luyến, bịn rịn không nỡ rời xa. Có cả những niềm vui rất bình thường của con người trong lễ hội. Tất cả hòa quyện tạo nên một bản giao hưởng nhiều cảm xúc, thanh âm.

Và ở đó, giữa không khí da diết buồn của ngày tiễn đưa là những náo nhiệt hiếm có của một Pơthi khi có sự xuất hiện các Pram (người hóa trang). Những Pram trong quan niệm của đồng bào Tây Nguyên vốn là cầu nối cuối cùng dẫn đưa người chết vĩnh viễn về với thế giới Atâu (thế giới của ông bà). Trong đêm tiễn đưa, những đống lửa cháy lên ở khắp mọi nơi, chiếu sáng cả khoảng không dưới những tán cây cổ thụ im lìm. Không gian náo nhiệt bởi dòng người nườm nượp kéo về. Trong khi gia đình làm lễ cúng và khóc vĩnh biệt người chết thì bà con dân làng đánh cồng chiêng, nhảy múa bên ngoài nhà mồ. Vào trưa ngày thứ hai của Pơthi, có một nghi lễ cuối cùng tiễn đưa người đã khuất diễn ra sôi động khác thường. Đúng giữa trưa, từ phía cánh rừng hay những giọt nước của làng, các Pram được hóa trang bằng đất sét, lá chuối, mặt nạ gỗ hay da bò... tiến dần về phía nhà mồ.

Các Pram đeo mặt nạ để dân làng không nhận ra ai
Các Pram đeo mặt nạ để dân làng không nhận ra ai

Họ xuất hiện trong hình dạng kỳ dị, trong huyên náo ở cuối cánh rừng, giữa những gốc cây cổ thụ. Sự có mặt của họ như một phần tâm điểm của mỗi Pơthi hay ngày lễ hội. Đó là những chàng trai mạnh khỏe hóa trang bằng bùn đất và lá cây, xuất hiện trong sự reo hò của đám đông, trong thanh âm dồn dập của chiêng trống. Họ bắt chước điệu đi của khỉ, của những con vật. Họ múa và làm trò. Đám đông vây kín những Pram, hò hét cổ vũ đến khản đặc cả tiếng. Họ đi một vòng đi quanh nhà mồ cùng đội xoang và chiêng, 2 Pram tiếp tục đi quanh nhà mồ hoang phế từ nhiều chục năm trước. Đó cũng là hình ảnh huyên náo cuối cùng, là đỉnh điểm cuối cùng của lễ hội.

Họ xuất hiện chớp nhoáng và biến mất như những bóng ma. Sau khi hình bóng Pram không còn, một sự vắng lặng đến lạnh lùng ngay trong khu nhà mồ mà mới phút trước còn náo nhiệt. Khi bóng chiều dần ngả trên bóng cây đa xòe tán rộng của khu nhà mồ, mọi người sau đó lục tục kéo nhau ra về. Già làng Rơ Châm Đo (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) giải thích, sau lễ bỏ mả, người sống không còn ràng buộc gì với người chết nữa, chấm dứt việc cơm nước cho người chết hằng ngày. Thay vào đó, đã có những nô lệ đến phục vụ, hầu hạ người đã khuất, đó chính là những Pram. Chỉ đúng vào giữa trưa, khi mặt trời chiếu thẳng đỉnh đầu, người ta mới có cơ hội để “chạm mặt” được với những Pram. Qua thời khắc này, Pram sẽ biến mất, trở về với thế giới khác để phục vụ những người chết lúc này đã được tái sinh trên cõi Atâu.

Theo quan niệm của đồng bào Gia Rai, Pram chính là những nô lệ đến phục vụ, hầu hạ người đã khuất.
Theo quan niệm của đồng bào Gia Rai, Pram chính là những nô lệ đến phục vụ, hầu hạ người đã khuất.

Để được hóa thân thành những Pram, phải là những thanh thiếu niên khỏe mạnh chưa lập gia đình và được dân làng yêu mến. Không những thế, các Pram biết đánh cồng chiêng, biết biểu diễn trò vui và phải biến hóa làm sao để người làng không ai nhận ra, nếu không muốn hồn ma bắt người mình theo. Theo sau những Pram có cả đội cồng chiêng vừa đi vừa khua chiêng, múa trống hưởng ứng. Cuộc huyên náo chỉ diễn ra nửa tiếng đồng hồ, sau đó những Pram mất hút trong những lùm cây. Bỏ lại phía sau những tiếng “Thập thong! Thập thong!” của dàn ching chiêng ngân lên thiết tha réo rắt. Khi những Pram đột ngột biến mất cũng là lúc buổi lễ kết thúc.

Có lẽ biết ơn những “nô lệ của hồn ma” đã thay người sống phục vụ người đã khuất sau ngày bỏ mả, những Pram đi đến đâu đều được dân làng cho thức ăn, vật dụng đến đó, như nắm cơm trắng gói trong lá chuối, miếng thịt bò, con cá khô... Buồn vui rồi cũng khép lại. Người sống và người đã khuất cũng trọn vẹn nghĩa tình sau lễ Pơthi.

Những Pram hóa trang bùn đất, đeo mặt nạ nhảy múa trong Lễ Pơ thi
Những Pram hóa trang bùn đất, đeo mặt nạ nhảy múa trong Lễ Pơ thi

Khi Pram được biến cải...  

Tây Nguyên mùa Xuân không chỉ đẹp ở thị giác với những thảm màu đa sắc trải lên những thảo nguyên, ở đó còn là mùa lễ hội của âm thanh với dàn hòa âm của tiếng cồng chiêng, t’rum, trống hơgơr prong, đàn goong, bro, k’lông pút, t’rưng... âm vang trên những bản làng, ngân xa ra khỏi nhà Rông để đến với tận “cha trời, mẹ đất” trong mùa lễ hội. Dù đời sống đã có nhiều đổi thay, những lễ hội được tổ chức nhiều hơn để đồng bào trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc mình. Người Gia Rai hay Ba Na, Ê Đê hay M’nông ở khắp miền cao nguyên cũng thế, vẫn chỉ mong hồn cốt văn hóa của mình được giữ gìn truyền đời để mỗi lần được gặp nhau, đôi bàn tay nắm lấy bàn tay, cùng nhau nhảy múa, hát ca, chúc cho nhau thật nhiều sức khỏe, người sống sẽ sống tốt hơn.

Pram và Pơtual (người múa hề) diễn xuất trên đường phố mùa lễ hội.
Pram và Pơtual (người múa hề) diễn xuất trên đường phố mùa lễ hội.

Trong những Pơthi hay cả những lễ hội biểu diễn ở các hội thi nhằm bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên, những Pram hay những Pơtual đều là tâm điểm. Cuộc sống thay đổi, các Pram và Pơtual cũng biến cải, không chỉ đơn thuần là những hầu cận của người đã khuất, mà đã trở thành những nhân vật mới khuấy động không khí, gây cười, thu hút sự chú ý của đám đông. Đoàn cồng chiêng, trống vừa đi vòng tròn vừa biểu diễn. Già trẻ, trai gái cũng nhảy thành vòng tròn theo điệu nhạc. Các ghè rượu được buộc thành hàng vào những cây tre và được chia thành từng khu cho cuộc vui càng đông, càng sôi động. Xuyên suốt lễ hội, những ché rượu cần cứ vơi lại đầy níu chân người đi. Lúc này thanh niên trai tráng trong làng rủ nhau đến nơi có nguồn nước bôi bùn, đất lên người, đeo mặt nạ được làm từ bẹ chuối sao cho kinh dị để càng giống với các Pram. Để rồi khi đám đông đang ồn ào huyên náo nói cười bỗng dưng ngưng bặt. Mọi con mắt đổ dồn về phía bến nước, nơi những Pram hay những Pơtual (người múa hề) xuất hiện.

Pram đeo mặt nạ, tạo hình tóc bằng rễ cây, mặc bộ trang phục kết bằng lá chuối khô xuất hiện trong lễ hội đường phố
Pram đeo mặt nạ, tạo hình tóc bằng rễ cây, mặc bộ trang phục kết bằng lá chuối khô xuất hiện trong lễ hội đường phố

Pram hay Pơtual mang nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng trong một số nghi lễ, Pram mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, ác quỷ, thì các Pơtual lại đảm trách làm người múa hề. Thông thường các Pram sẽ do nam đảm nhận, còn các Pơtual sẽ do nữ sắm vai. Cùng với các Pram, các Pơtual nữ liên tục làm trò hề bằng cách nhe răng, thè lưỡi, trợn mắt, chòng ghẹo khán giả xung quanh khiến ai nấy đều ngạc nhiên, thích thú. Đội cồng chiêng nối gót phía sau với những thanh âm hào hứng, rộn rã, thu hút người xem.

 Cứ thế, giữa âm thanh lúc trầm, lúc bổng của cồng chiêng và những nhạc cụ truyền thống làm bằng tre nứa, những vòng xoang uyển chuyển của trai gái hòa nhịp những hoạt cảnh được thể hiện bằng những chú hề đeo mặt nạ ma quỷ, vung tay, vung chân nhảy múa cùng với giáo mác, gươm dao, những bộ trang phục bằng vỏ cây, lá cây hoặc được làm bằng cỏ tranh, những bước đi cà kheo nhanh nhạy của các chàng trai…, đã tái hiện một cách sinh động, chân thực về cuộc sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất, đời sống văn hóa tâm linh, tinh thần của cộng đồng các dân tộc miền cao nguyên này.

Sự xuất hiện của Pơtual (múa hề) được xem là những “bậc thầy” hóa trang tại các lễ hội của cộng đồng.
Sự xuất hiện của Pơtual (múa hề) được xem là những “bậc thầy” hóa trang tại các lễ hội của cộng đồng.

Xưa kia, đồng bào Tây Nguyên cải dạng với chủ ý dọa dẫm, xua đuổi thú dữ. Ngày nay, cuộc sống thay đổi, các Pram và Pơtual biến cải thành những nhân vật khuấy động không khí, gây cười, thu hút sự chú ý của đám đông tại các lễ hội. Họ có thể là trẻ con, thanh niên có khiếu diễn tấu, thậm chí là phụ nữ. Nhiều Pram và Pơtual còn giao lưu, chọc ghẹo khán giả xung quanh khiến ai cũng thích thú.

Những lễ hội, những Pơthi diễn ra trong mùa Xuân cứ thu hút là vậy, xoay theo vòng xoang đến tàn đống lửa này thì đốt lên đống lửa khác. Ai xoang cứ xoang, ai chiêng cứ chiêng, ai say cứ say cho hồn mênh mang. Với tôi, những con người nơi đây luôn là một sự bí ẩn. Nó bí ẩn như mảnh đất Tây Nguyên mà họ đang sống vậy.

Già làng và Pram trong lễ hội
Già làng và Pram trong lễ hội
Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.