Lạng Sơn được coi là một trong những “vựa na” lớn nhất cả nước. Trong đó, vùng núi đá vôi Kai Kinh ở hai huyện Hữu Lũng và Chi Lăng được gọi là “vương quốc na”. Diện tích trồng na trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có trên 3.500ha, được trồng chủ yếu tại 2 huyện: Chi Lăng (khoảng 1.805ha) và Hữu Lũng (khoảng 1.500ha), sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm, cây na đã trở thành biểu tượng của nông sản Lạng Sơn với giá trị kinh tế hằng năm đều đạt từ 1.300 – 1.500 tỷ đồng.
Nếu như trước đây, bà con canh tác theo kiểu tự nhiên, có đến đâu bán đến đó thì hiện nay cây na đã được chăm sóc bài bản hơn, quy mô hơn và đem lại giá trị cao hơn, tiêu biểu nhất là rải vụ. Tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng na, thời gian qua, người dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống na cho hiệu quả kinh tế cao.
Xen lẫn núi đá là những cây na xanh mướt, được người dân nơi đây trồng từ chân núi đến sườn núi. Màu xanh mướt mát che át màu đen của những sườn núi đá tai mèo, hàng trăm ngàn cây na vươn mình từ các khe đá, bò từ dưới chân núi lên các sườn cao. Có nơi na bò lên tới gần đỉnh núi. Vào sâu khu vực quốc lộ 1A cũ, na còn bạt ngàn hơn nữa. Do đặc điểm sinh trưởng cây na ưa vùng đồi núi dốc và đất ở vùng núi đá vôi, nên na là cây ăn quả đặc hữu của vùng núi nơi đây với chất lượng quả thơm, ngọt, không phải nơi nào cũng có được.
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị kinh tế, những năm gần đây, cây na được coi là một trong những cây trồng chủ lực ở Hữu Lũng. Huyện Hữu Lũng đã tập trung và phát triển, mở rộng thêm diện tích sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để hướng tới việc xuất khẩu na sang một số thị trường "khó tính" như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Australia; …tăng cường phối hợp và phát triển với các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để đầu tư nghiên cứu thêm nhiều công nghệ bảo quản quả na sau thu hoạch cũng như tiến tới công nghệ chế biến sản phẩm từ quả na.
Vừa tất bật thu hoạch na, chị Vi Thị Sự, dân tộc Tày ở thôn Bãi Danh, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng hồ hởi chia sẻ: “Vào mùa thu hoạch rộ na, gia đình tôi hái được ngót 2 tấn quả/ngày. Dự tính vụ na năm nay, thu được khoảng 200 triệu đồng, nếu trừ các khoản chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Chắc chắn gia đình thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã!”.
Gia đình chị Sự trước đây là hộ nghèo, sau khi mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, chị đã đầu tư mua giống na dai, phân bón vô cơ chuyên thâm canh vườn đồi và lắp đặt một đường ròng rọc kiên cố để vận chuyển na từ trên núi cao về tận sân nhà. Nhờ được mùa na, gia đình chị Sự đã trả hết nợ vay, đồng thời đang lập dự án phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng để làm ăn theo hướng mới.
Ông Vi Văn Nghị, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng cho biết: “Đa số hội viên nghèo của xã đều tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi và sử dụng nguồn vốn vay phát triển kinh tế vườn na, mua sắm được cả xe tải nhỏ để chuyên chở sản phẩm từ vườn na của nhà mình, đồng thời tranh thủ đi chở thuê na từ nhà vườn ra bãi tập kết. Cứ mùa Thu đến, người trồng na lại trúng to, thoát dần nghèo khó, cuộc sống thêm no đủ, tươi vui”.
Gia đình chị Đặng Thị Thu Hằng, xã Yên Vượng hiện sở hữu khoảng hơn 700 gốc na ta. Chị Hằng kể lại: Khoảng 20 năm trước, xã Yên Vượng là vùng đất nghèo, hoang sơ, kinh tế của bà con sống chủ yếu dựa vào cây lương thực như lạc, ngô, khoai... Tuy nhiên, từ khi cây na xuất hiện, nơi này đã "thay da đổi thịt", người dân có thu nhập cao hơn nhiều lần, đời sống được nâng cao, kéo theo nhiều lợi ích về văn hóa, xã hội. Như gia đình chị Hằng, nhờ vườn na đã đem về thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm, giúp gia đình không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Chị Triệu Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Yên Vượng, cũng là một phụ nữ làm kinh tế giỏi. Lựa chọn cây na để làm kinh tế, chị Hương hiện có khoảng 1.000 gốc na thái, na dai. Ngoài ra, chị Hương còn trồng bưởi, nhãn, ổi... Mỗi năm, các loại cây ăn quả thay nhau ra trái, đem về thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng cho gia đình.
Từ những kinh nghiệm tích lũy nhiều năm, chị Hương đã hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hội viên Hội Phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn trong việc trồng, chăm sóc cây na, cây ổi để thoát nghèo.
Có thể nói nhờ cây na, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS nói riêng và huyện Hữu Lũng nói chung đã được thay đổi đáng kể, tạo sinh kế ổn định, bền vững; đời sống của bà con ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.