Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), kể từ đầu tháng 10 đến nay, các khu vực miền Trung nước ta đã phải hứng chịu những trận mưa bão lớn, gây ra lũ lụt và sạt lở đất, làm ít nhất 174 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải sơ tán; hơn 7,7 triệu người sống ở 9 tỉnh bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Mực nước ở một số khu vực đã đạt mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ.
Các cơn bão cũng đã làm hư hại cơ sở hạ tầng quan trọng như: đường giao thông, hệ thống điện khiến nhiều huyện, xã bị cô lập; chính quyền, người dân gặp nhiều khó khăn khi hỗ trợ.
Trong hoàn cảnh này, chúng ta mới thấy rõ ràng hơn bao giờ hết truyền thống quý báu của dân tộc ta đó là tinh thần tương thân tương ái, chung sức, đồng lòng đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Từng giờ, từng phút, các phương tiện truyền thông liên tục cập nhật những thông tin về mưa lũ cũng là thời gian người dân cả nước không thể ngồi yên.
Từng đoàn xe cứu trợ nối đuôi nhau từ khắp mọi miền Tổ quốc để hướng về miền Trung. Những dòng trạng thái trên mạng xã hội xuất hiện, kêu gọi mọi người chung tay cứu trợ miền Trung.
Đặc biệt, tại nhiều nơi trên cả nước, người dân thức trắng đêm để gói bánh chưng gửi về vùng lũ. Người góp lá dong, người góp gạo, người góp sức để làm nên những chiếc bánh nghĩa tình. Đó là những chiếc bánh sẻ chia, tương thân tương ái mà người dân Việt Nam gửi tới miền Trung thân yêu.
Cùng với tấm lòng của người dân khắp nơi, là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phòng, chống, ứng phó và cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt. Ngày 5/11, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165 về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020 trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum. Cụ thể, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ đối với nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn; tối đa 10 triệu đồng/hộ đối với nhà bị hư hỏng nặng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy, khôi phục sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho đồng bào miền Trung sớm ổn định cuộc sống. Theo thống kê, để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ, các tỉnh miền Trung đang cần hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn giống ngô, 44,2 tấn hạt rau giống; cùng với đó là 560.000 liều vắc xin, 140.000 lít và 105 tấn hóa chất khử trùng.
Không chỉ vậy, tình hình bão lũ ở miền Trung cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nước cũng như các tổ chức trên thế giới. Thông qua Cơ quan Hỗ trợ Phát triển và Hợp tác Thụy Sỹ, Chính Phủ Thụy Sỹ trao khoản cứu trợ khẩn cấp trị giá 300.000 Franc Thụy Sỹ (tương đương 7,6 tỉ đồng) tới những người bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt kinh hoàng do các cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Miền Trung Việt Nam đầu tháng 10 gây ra. Hay như Chính Phủ Australia đã cam kết viện trợ thêm 2 triệu đô la Úc nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với các tác động của lũ lụt và sạt lở kéo dài và trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung Việt Nam. Đây là khoản viện trợ bổ sung, bên cạnh 100 nghìn đô la Úc đã cam kết trước đó cho những nỗ lực ứng phó khẩn cấp ban đầu.