Xã Ka Lăng được biết tới, là một trong những xã xa nhất của huyện Mường Tè. Đây cũng là nơi con sông Đà chảy vào đất Việt, với những nét văn hóa đặc sắc riêng có của dân tộc Hà Nhì. Ông Khoàng Sỳ Chừ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cấp ủy, chính quyền và bà con rất vui mừng, khi UBND huyện thông qua kế hoạch bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tiến hành quy hoạch, quản lý, khai thác các điểm du lịch trên địa bàn xã, phù hợp với quy hoạch chung của toàn huyện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về trách nhiệm cộng đồng dân cư, với việc ứng xử có văn hóa trong các hoạt động du lịch, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường; giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc và các di sản văn hóa.
"Xã cũng đã và đang triển khai xây dựng bản Mé Gióng, thành khu du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Hà Nhì. Bởi, ở đây, bà con vẫn duy trì và bảo tồn những nét đặc sắc trong những ngày lễ, tết như: Tết Hồ Sự Chà, lễ cúng bản Gạ Ma Thú, tết mùa mưa...; các hoạt động của đội văn nghệ quần chúng luôn diễn ra sôi nổi; bên cạnh đó, các sản phẩm thủ công truyền thống của bà con, là một trong những thế mạnh để địa phương có thể phát triển du lịch cộng đồng”, ông Chừ cho biết thêm.
Ông Giàng A Lình, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Mường Tè cho biết:Tháng 7/2021, Huyện ủy Mường Tè đã ban hành Kế hoạch số 22-KH/HU về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2015, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch nêu rõ: Hằng năm bảo tồn và lưu giữ ít nhất 01 di sản văn hóa, giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các DTTS; mở rộng quy mô tổ chức sự kiện tết độc lập 2/9 hàng năm gắn với ngày hội văn hóa thể thao của huyện; phát triển mô hình “Không gian văn hóa” các dân tộc tại trung tâm huyện hướng tới thành khu vui chơi, gải trí và phố đi bộ… Xây dựng một số bản văn hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới; bố trí nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách, phấn đấu trung bình mỗi năm đón trên 1 nghìn lượt du khách
Cụ thể hóa chủ trương, kế hoạch, thời gian qua, huyện Mường Tè đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Trong đó, lựa chọn một số giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của các dân tộc phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo sức cạnh tranh, thu hút du khách.
Ngoài ra, xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc sắc riêng của huyện Mường Tè kết hợp với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh; đa đạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo tour, tuyến du lịch hoàn chỉnh và giới thiệu, quảng bá cho du khách. Đồng thời, quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng, triển khai các dự án phát triển du lịch gắn với hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.
Đồng thời, phát huy vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong việc bảo tồn, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, du lịch cả về quản lý nhà nước, công tác bảo tồn và kỹ năng nghề du lịch.
“Chúng tôi đã cử cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin, hướng dẫn viên du lịch tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về bảo tồn văn hóa gắn với du lịch. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn”, ông Giàng A Lình, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Mường Tè nhấn mạnh.