Với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”, Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 và CLV10 được đánh giá là Hội nghị đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam năm 2018.
Trong khuôn khổ Hội nghị GMS 6 và Hội nghị CLV 10, cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) tổ chức ngày 29/3 đã rà soát nội dung các chiến lược hợp tác ngành về giao thông, du lịch, nông nghiệp và môi trường, báo cáo kết quả 25 năm hợp tác GMS, báo cáo hợp tác thương mại điện tử GMS và các văn kiện khác…
Quan chức cao cấp Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan đều đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, trọng thị, chuyên nghiệp cả về nội dung, lễ tân, hậu cần cũng như các sáng kiến của Việt Nam.
Đáng chú ý, tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6 này, Việt Nam lần đầu tiên đưa sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS, tổ chức ngày 30/3, với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và Nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới.
Sáng kiến này nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS, sự ủng hộ của các đối tác Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), ASEAN, cộng đồng doanh nghiệp với quy mô hơn 2.000 doanh nhân trong nước và quốc tế đăng ký tham dự.
Diễn đàn được chia thành các phiên thảo luận cấp Bộ trưởng trên một loạt các lĩnh vực hợp tác chủ đạo của cơ chế GMS, đó là các mô hình kinh doanh mới, phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ cao.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng, với nguồn tài nguyên và nhân lực dồi dào, với công cuộc cải cách và hội nhập đang diễn ra sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang tràn tới, GMS có lợi thế phát triển trong các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, và có thể trở thành bếp ăn của thế giới. Chúng ta cũng có thể trở thành công xưởng mới của nền kinh tế thế giới, với lợi thế lao động còn rẻ và cơ cấu dân số trẻ... Động lực của sự phát triển trong khu vực GMS trong thời gian tới sẽ phải là tinh thần khởi nghiệp, là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ...
Phát biểu tại diễn đàn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mong muốn, cùng nhìn nhận và đánh giá sâu sắc những cơ hội phát triển và tăng trưởng, tạo sức hấp dẫn lớn hơn trong mắt các nhà đầu tư, các đối tác phát triển về nền kinh tế của GMS; các doanh nghiệp trong khối GMS sẽ cùng chia sẻ tầm nhìn phát triển và trao đổi những cơ hội kết nối trong tương lai.
Cũng trong ngày 30/3 đã diễn ra phiên họp toàn thể đối thoại chính sách của Diễn đàn với sự tham dự của lãnh đạo 6 nước thành viên.
Chương trình hợp tác kinh tế GMS được khởi xướng năm 1992 nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Đây được đánh giá là cơ chế hợp tác có hiệu quả hàng đầu trong các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng Mê Kông. Mục tiêu dài hạn của Chương trình hợp tác GMS là đưa tiểu vùng Mê Kông mở rộng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
THANH HUYỀN