Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Họp báo “Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Nhóm PV - 18:16, 13/09/2022

Chiều 13/9, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Họp báo “Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022”.

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh phát biểu tại buổi Họp báo
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh phát biểu tại buổi Họp báo

Tới dự và đồng chủ trì buổi Họp báo có Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Yên Bái Lê Thị Thanh Bình; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Chiến; Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lương Thị Xuyến; Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa lộ Lương Mạnh Hà.

Xòe là một loại hình vũ đạo của Việt Nam, với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống và công việc. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội bản mường truyền thống và các hoạt động của cộng đồng.

Xòe được thực hành tại các bản của người Thái chủ yếu ở 4 tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và Tp. Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La).

Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái Lê Thị Thanh Bình phát biểu tại buổi Họp báo
Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái Lê Thị Thanh Bình phát biểu tại buổi Họp báo

Từ năm 2016, tỉnh Yên Bái và các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTT&DL, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” đệ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tháng 9/2022, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Bộ VHTT&DL và các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng trong dịp này, tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Theo thông tin tại buổi Họp báo, các hoạt động trong khuôn khổ Lễ đón nhận và Lễ hội diễn ra từ ngày 22/9 đến hết ngày 29/9/2022. Bên cạnh đó, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch hưởng ứng diễn ra từ đầu tháng 8/2022 đến hết tháng 12/2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 diễn ra ngày 24/9/2022.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ đón nhận Bằng sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Hoạt động biểu diễn đường phố (có sự tham gia của các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên) diễn ra ngày 24/9; Trưng bày triển lãm ảnh di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” và “Ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc” mở rộng diễn ra từ ngày 22 - 27/9; Hội chợ sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng miền và văn hóa ẩm thực năm 2022 (có sự tham gia của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh); Không gian trưng bày và trình diễn văn hóa các dân tộc diễn ra từ ngày 22 - 26/9.

Quang cảnh buổi Họp báo
Quang cảnh buổi Họp báo

Bên cạnh đó, các địa phương trực thuộc tỉnh Yên Bái hưởng ứng Lễ đón nhận và khai mạc lễ hội. Tại huyện Mù Cang Chải sẽ diễn ra các hoạt động: Festival dù lượn khai mạc vào ngày 25/9, tại điểm bay dù lượn đèo Khau Phạ; khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải bằng máy bay trực thăng sẽ phục vụ du khách từ 20/9, tại trụ sở Đội Dịch vụ công cộng, tổ 4, thị trấn Mù Cang Chải; giải chạy Marathon khai mạc vào ngày 23/9, cung đường chạy qua khu vực thị trấn và các xã vùng lõi của di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Festival Khèn Mông và chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Mù Cang Chải - Khát vọng vùng cao” được khai mạc vào ngày 30/9, tại Sân vận động trung tâm huyện.

Tại huyện Trạm Tấu sẽ diễn ra các hoạt động: Khởi động hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, Tà Xùa (khai mạc ngày 25/9); Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Trạm Tấu (ngày 1/10); Lễ hội Gầu Tào (trung tuần tháng 12/2022)…

Tại huyện Văn Chấn sẽ tổ chức Đêm tiệc Trà Suối Giàng (ngày 23/9); Lễ tôn vinh cây chè Suối Giàng (sáng 24/9); tổ chức Lễ hội giã Cốm (sáng 25/9)…

Tại Tp. Yên Bái sẽ tổ chức hoạt động múa Xòe tại quảng trường 19/8 (với quy mô 2.022 người) và nhảy sạp tại phố đi bộ Hào Gia (15 - 20 điểm nhảy sạp)…

Trong buổi Họp báo, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có đặt ra câu hỏi màn đại Xòe chào mừng với hơn 2.000 người Thái tham gia sẽ sử dụng trang phục như thế nào và khâu kiểm duyệt ra sao. Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái Lê Thị Thanh Bình cho biết, về trang phục biểu diễn của những người tham gia đều là trang phục truyền thống của dân tộc Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ của chính các cá nhân tham gia, vừa thể hiện tính truyền thống của trang phục, cũng như đưa Nghệ thuật Xòe gần gũi, lan tỏa mạnh mẽ trong cuộc sống. Đặc biệt, tất cả các trang phục Thái đều được kiểm duyệt kỹ càng, sử dụng trang phục gốc, không được cách tân.

Tại buổi Họp báo, nhiều vấn đề thắc mắc của các nhà báo, phóng viên được đại diện lãnh đạo tỉnh Yên Bái tiếp thu và giải đáp. Trong đó nhiều vấn đề được đặt ra như: Bảo đảm an ninh trật tự những ngày diễn ra Lễ đón nhận Bằng của UNESCO; các phương án bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và một số dịch bệnh truyền nhiễm khác đang có xu hướng diễn biến phức tạp; các hoạt động khai thác du lịch trong sự kiện; hoạt động bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Xòe Thái sau Lễ đón nhận Bằng của UNESCO…

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.