Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã tiến hành Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021. Phiên họp diễn ra sau ngay sau khi Thủ tướng và Đoàn cấp cao Việt Nam về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 31/10 - 5/11/2021.
Chuyến đi vừa qua của Thủ tướng và đoàn công tác thể hiện vai trò, vị thế của nước ta trong việc cùng giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, thắt chặt quan hệ với Anh và Pháp.
Theo Thủ tướng, kể từ khi ban hành (ngày 11/10) đến nay, các quy định của Nghị quyết 128 cơ bản phù hợp với tình hình. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, mặc dù “còn có việc này, việc kia phải nhìn nhận, xem xét và bám sát, dựa trên thực tiễn để điều chỉnh từng bước một cách hiệu quả”, nhưng chúng ta đã thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách “zero Covid”, đồng thời thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, rút kinh nghiệm và mở rộng dần.
Chính phủ thống nhất đánh giá việc phòng, chống dịch đã đạt những kết quả quan trọng, giúp tạo động lực để phát triển kinh tế. Hiện tại, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, số bệnh nhân khỏi bệnh ngày càng tăng, tốc độ tiêm vắc xin được đẩy nhanh.
Về tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng năm 2021, Chính phủ nhận định tuy chịu tác động rất lớn bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng tình hình KT-XH vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 10 tháng qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI tháng 10 tăng1,77% so với năm 2020. Tính chung 10 tháng 2021, CPI bình quân tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020.
Điều hành thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối chủ động, linh hoạt, thận trọng, ổn định, phối hơp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khách nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Đến ngày 29/10/2021, huy động vốn tăng 5,59% so với cuối năm 2021 (huy động VND tăng 6,42%, ngoại tệ giảm 2,47%), tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,72% so với cuối năm 2020 (tín dụng VND tăng 8,39%,ngoại tệ tăng 14,42%).
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khá; an ninh lương thực, thực phẩm được bảo đảm; nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Tính chung 10 tháng, chỉ số toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020 (cao hơn tốc độ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, ngàng chế biến, chế tạo tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,1 %).
Công tác an sinh xã hội đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Tính đến 25/10, theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của 63 tỉnh thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP là 24,56 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ 26,04 triệu lượt đối tượng (trong đó gồm 380.915 lượt đơn vị sử dụng lao động, 25,66 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác).
Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh, đào tạo, tập huấn nâng cao lực lượng chống dịch. Thực hiện tốt việc cách ly, truy vết, chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch.
Tiếp tục thực hiện 3 trụ cột chính. Thứ nhất, triển khai cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, có mục tiêu, có lộ trình. Thứ hai, xét nghiệm thần tốc, bảo đảm khoa học, tiết kiệm. Thứ ba, điều trị tích cực từ sớm, từ xa ngay tại cơ sở. Thực hiện phương châm 5K + vắc xin + công nghệ và ý thức của người dân.
Tiếp tục thực hiện chiến lược vắc xin và bảo đảm có vắc xin nhanh nhất, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin./.