Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân là trên hết, trước hết

Minh Thu - 19:57, 11/08/2021

Đó là 1 trong 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung này được đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2021 vào chiều ngày 11/8 (theo hình thức trực tuyến) do Văn phòng Chính phủ tổ chức. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo trực tuyến
Quang cảnh buổi họp báo trực tuyến

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Ngày 11/8/2021, Chính phủ đã tổ chức phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ 2021 - 2026. Phiên họp có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Với quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ, Chính phủ xác định 6 quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành của giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó nhấn mạnh, cần quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Chủ động xây dựng giải pháp khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Chính phủ cũng xác định các mục tiêu cụ thể trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 gồm 23 chỉ tiêu; trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt hơn 25%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số.

Chính phủ xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025: Quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH. Củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là hạ tầng kinh tế và hạ tầng văn hóa, xã hội. Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân....

Tại họp báo, đại diện các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên báo chí liên quan đến thị trường tài chính tiền tệ; tiến độ tiêm vắc xin cho người dân; biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lưu thông hàng hóa, ổn định sản xuất, kinh doanh (cấp mã QR, tổ chức hậu kiểm, xử lý vi phạm; đề xuất tiêm vắc xin cho lái xe, phụ xe; công bố đường dây nóng để giải quyết kịp thời vướng mắc trong quá trình vận chuyển hàng hóa)... Cùng đó là phương án sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong điều kiện khó khăn bởi dịch bệnh. Việc áp dụng giảm lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tại các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong lúc dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp... 

Tin cùng chuyên mục
Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Mưa lớn nhiều ngày do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã khiến cho nhiều vùng đất ở Nghệ An ngập úng cục bộ. Khu vực miền núi đã xuất hiện sạt lở. Đáng chú ý, đã có thiệt hại về người và tài sản vì mưa lũ.