Nặng nợ với nghề
Băng qua những tuyến đường bê tông mới mở dọc theo các làng sau UBND xã Đăk Rơ Wa, chúng tôi về làng Kon Kơ Tu-làng xa nhất của xã. So với trước đây, nhiều tuyến đường trong làng Kon Kơ Tu bây giờ được bê tông. Đường làng thoáng và sạch hơn. Giữa làng là ngôi nhà rông cao vút, mặt hướng ra sông Đăk Bla. Mái nhà rông hình lưỡi rìu ngạo nghễ, vươn lên giữa trời xanh. Xung quanh nhà rông còn nhiều những ngôi nhà sàn giữ được phong cách cổ xưa.
Gần ngôi nhà rông là ngôi nhà sàn nhỏ xinh xắn của chị Y Xanh. Năm tháng trôi qua, nhưng tôi thấy chị Y Xanh vẫn không khác mấy như năm nào mới gặp. Tay chị dường như lúc nào cũng thoăn thoắt và mềm mại bên khung dệt. Kể cả khi trò chuyện với chúng tôi, chị vẫn không rời khung dệt.
Qua câu chuyện thân tình về nghề, chị kể, chị bị khuyết tật ở chân không thể đi nương rẫy nên lấy nghề dệt làm kế mưu sinh. Chị học nghề dệt thổ cẩm từ mẹ và bà ngoại khi mới 15 tuổi. Cũng như bao cô gái khác, ngày trước người con gái Ba Na nào cũng biết trồng bông, kéo sợi, nhuộm sợi và dệt vải.
Tuy nhiên, kể từ khi sợi chỉ có mặt nhiều trên thị trường, chị em không còn phải tốn nhiều công sức trồng bông, xe sợi mà mua sợi về dệt. Dần dần nghề trồng bông thất truyền.
“Mình nhớ những tấm thổ cẩm bằng bông lắm, nó bền và đẹp, nhưng đành chịu thôi. Trồng bông tốn nhiều công sức quá, mình không có sức khoẻ để trồng...!”, chị Y Xanh thở dài. Luyến tiếc với thổ cẩm bằng bông, hiện nay, chị Y Xanh và các chị em trong làng giữ nghề dệt bằng chất liệu sợi mua sẵn. Các sản phẩm từ nghề dệt chủ yếu là khăn choàng cổ, áo, chăn đắp, khố, túi xách...
Giữ hồn cốt
Cần mẫn với nghề, nhưng theo chị Y Xanh nghề dệt thổ cẩm chỉ góp phần ổn định đời sống, khó có thể làm giàu. Muốn làm giàu phải tìm việc khác. Bởi theo chị, để dệt 1 tấm choàng phải mất ít nhất 5 ngày làm liên tục, bán chỉ được 400 nghìn đồng; 1 túi xách tay (kể cả công may) mất hơn 2 ngày, giá bán 300 nghìn đồng; 1 bộ áo-váy nữ mất 2 tuần (tính cả công cắt may), bán 1 triệu đồng; 1 áo nam mất 3-4 ngày, bán 300-400 nghìn đồng.... Đó là chưa tính tiền chỉ. Tiền chỉ thường chiếm trên 1/3 giá thành sản phẩm.
Điều khiến các chị em trong làng còn yêu nghề thổ cẩm là qua sản phẩm thổ cẩm, các chị em muốn giữ lại hồn cốt cho dân tộc mình. Nếu để mất thổ cẩm, những dấu ấn của dân tộc cũng sẽ dần dần mất đi. Hơn nữa, đây còn là nghề làm nên nét đẹp và niềm tự hào của người phụ nữ Ba Na.
Theo chị Y Xanh, trong làng còn có các bà, các chị Y Na, Y Mứt, Y Xenh, Y Yin... chuyên dệt thổ cẩm. Nhà chị Y Na còn là nơi lưu trú của nhiều khách Tây khám phá làng cổ trước khi họ theo thuyền độc mộc ngược dòng Đăk Bla hay muốn băng rừng, lội suối trở về với thiên nhiên trên những dãy đồi trong làng.
Du khách đến làng cổ thăm quan có người cũng mang duyên nợ với người làng Kon Kơ Tu. Cũng từ cơ duyên đến thăm quan làng cổ mà một kỹ sư người Pháp đã trở thành con rể của bà Y Na, làng Ko Kơ Tu. Nhiều năm nay, chàng kỹ sư người Pháp vẫn thường đi về Việt Nam. Hiện tại, người kỹ sư người Pháp-con rể bà đang làm việc tại huyện Kon Plông. Tại nhà Y Na, tôi gặp một cháu gái lai Tây xinh xắn đang được bà ngoại chăm nom.
Bà Y Na cũng thật lòng khi trao đổi với tôi nghề dệt thổ cẩm, kinh doanh thổ cẩm và người con rể Tây của mình. Song thấy bà bận bịu, tôi không dám làm phiền nhiều. Còn chồng bà-ông A Ben cũng đang bận rộn, chuẩn bị đón một đoàn khách Tây vào thăm quan và nghỉ tại nhà mình. “Chung tay với người dân, UBND xã Đăk Rơ Wa triển khai nhiều biện pháp giữ gìn, phát huy các nghề truyền thống trong đó có nghề dệt thổ cẩm, gắn với phát triển du lịch sinh thái. Theo đó, xã đã mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm do nghệ nhân trong làng truyền lại cho các chị em trong làng”, chị Y Khiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa chia sẻ.
Rời làng cổ Kon Kơ Tu, nhưng trong tôi vẫn còn mãi những hình ảnh đẹp về những người phụ nữ Ba Na bên khung dệt, về những sản phẩm thổ cẩm, về cái nét duyên ngầm của người phụ nữ bên trang phục thổ cẩm và bản chất chân thật của người dân nơi đây. Có lẽ những nét đẹp truyền thống tạo nền hồn cốt của người Ba Na làng cổ đã khiến du khách mãi luyến lưu.
VĂN NHIÊN