Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 17/11, đã có 230.542.910 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 19.360.059 ca bệnh đang điều trị, có 19.282.044 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 78.015 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 223 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sau gần hai năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, khiến số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng.
Trong 24 giờ qua, với thêm 72.552 ca nhiễm mới, Mỹ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Đức (39.985 ca) và Anh (37.243 ca). Trong khi đó, Nga là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.240 ca, sau đó là Mỹ (1.018 ca) và Ukraina (838 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 80.860.714 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 17/11, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong một ngày qua, châu lục này ghi nhận thêm 74.764 ca nhiễm mới và 1.002 ca đã tử vong do COVID-19. Trong ngày qua, 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 mới cao nhất tại châu Á là: Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận là 25.101; 10.259 và 6.430 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp mới tử vong cao nhất là: Thổ Nhĩ Kỳ (227 ca); Iran (134 ca) và Philippines (99 ca).
Trong ngày qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 296.449 ca nhiễm và 4.265 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 68.761.779 ca nhiễm mới và 1.360.698 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Đức, Anh và Nga có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất tại châu Âu khi có thêm lần lượt 39.985; 37.243 và 36.818 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Cùng với đó, Nga là nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua cao nhất khu vực, với 1.240 ca, tiếp sau đó là Ukraina (838 ca) và Romania (343 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 57.714.849 ca, trong đó có 1.172.800 ca tử vong và 46.470.534 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 72.552 ca nhiễm COVID-19 mới, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực; tiếp sau là Canada với 1.018 ca và CH Domenica với 1.002 ca nhiễm mới. Mỹ cũng đồng thời ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong ngày qua với 1.018 ca; sau đó là Mexico với 57 ca, Honduras với 8 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 11.118 ca nhiễm và 179 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 38.714.373 ca và 1.176.320 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực khi có thêm 4.918 ca nhiễm mới, sau đó là Colombia với 2.021 ca, và Chile với 1.689 ca nhiễm mới. Ngoài ra, với 94 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất khu vực vì COVID-19; tiếp sau là Argentina với 44 ca và Colombia với 32 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 17/11, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.640.808 ca, trong đó có 221.437 ca tử vong và 8.019.063 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với tổng số 2.926.348 ca nhiễm và 89.504 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 273 ca nhiễm mới và 15 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 948.391 và 715.818 ca nhiễm bệnh cùng 14.747 và 25.320 ca tử vong do COVID-19.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 338.489 ca nhiễm (tăng 1.319 ca) và 3.980 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 12 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 1.019 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 191.623 ca, trong đó 1.898 ca tử vong (tăng 10 ca).
Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng cao, nỗ lực nghiên cứu, phát triển và tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn liên tục được tăng cường trên phạm vi toàn thế giới.
Ngày 16/11, chính phủ Mexico thông báo sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh niên từ 15 - 17 tuổi. Quyết định trên được đưa ra sau khi 84% dân số quốc gia này đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.
Phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Bộ Y tế nước này, ông Hugo López-Gatell cho biết nhóm trẻ vị thành niên không có bệnh nền sẽ được đăng ký tiêm chủng từ ngày 19/11 tới.
Khoảng 31% dân số Mexico, tức gần 39 triệu người, là người dưới 18 tuổi. Tháng 6 vừa qua, Mexico đã phê duyệt việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho người trên 12 tuổi, nhưng đến nay quốc gia này mới chỉ tiêm phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi có bệnh nền hoặc khuyết tật. Quốc gia này hiện đang tụt hậu trong việc tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ vị thành niên so với Mỹ và 11 quốc gia Mỹ Latinh, bao gồm: Argentina, Colombia, Chile, El Salvador, Costa Rica, Ecuador, Paraguay, Panama và Cộng hòa Dominica, Peru và Uruguay.
Trong khi đó, Chính phủ Argentina, ngày 16/11, đã đăng trên Công báo quyết định thành lập một cơ quan liên bộ phụ trách vấn đề nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại vaccine cũng như thúc đẩy các công nghệ y tế khác với mục đích giảm thiểu tình trạng phụ thuộc vào dược phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.
Cơ quan liên bộ này đã họp phiên đầu tiên ngày 15/11 vừa qua với sự tham dự của Tổng thống Alberto Fernández, Bộ trưởng Y tế Carla Vizzotti, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Daniel Filmus và Bộ trưởng Phát triển Sản xuất, Matías Kulfas. Tại cuộc họp, các quan chức trong Chính phủ Argentina đã nhất trí thúc đẩy việc phát triển và sản xuất các loại vaccine dựa trên các dự án hợp tác công-tư. Ngoài ra, cơ quan liên bộ này trước mắt sẽ tập trung vào phát triển các công nghệ mới giúp đẩy mạnh việc chẩn đoán, điều trị và kiểm soát bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó ưu tiên sản xuất vaccine ngừa COVID-19.