Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có tổng cộng 1.067.391 thí sinh đăng ký tham dự, cao hơn năm 2023 là 43.328 thí sinh. Trong đó, số thí sinh tự do là 45.344. Do thí sinh tăng nên số điểm thi năm nay cũng tăng với mức 2.323 điểm thi, 45.149 phòng thi.
Các tỉnh, thành phố có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất gồm: Hà Nội có 109.078 thí sinh; Thành phố Hồ Chí Minh có 88.196 thí sinh; Thanh Hóa có 38.677 thí sinh. Các tỉnh có số thí sinh đăng ký dự thi ít nhất là Kon Tum với 5.052 thí sinh; Lai Châu với 4.211 thí sinh; Bắc Kạn với 3.180 thí sinh.
Tại Hà Nội, là địa phương có số thí sinh đăng ký dự thi đông nhất, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất. Gần 110.000 thi sinh đã tới 186 điểm thi trên địa bàn Thủ đô để làm thủ tục đăng ký dự thi.
Trong buổi chiều 26/6, cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh cách ghi số báo danh trên giấy thi, Phiếu trả lời trắc nghiệm; kiểm tra mã đề thi của tất cả môn thi trong bài thi tổ hợp phải giống nhau. Đối với thí sinh bắt đầu vào dự thi ở môn thi thành phần thứ hai hoặc môn thi thành phần thứ ba của bài thi tổ hợp phải có mặt tại phòng thi trước giờ phát đề thi 10 phút, nếu đến trước 15 phút phải tới phòng chờ vào thi.
Thí sinh hoàn thành bài thi của mình đã đăng ký ở môn thi thứ nhất hoặc môn thi thứ hai trong bài thi tổ hợp phải về phòng chờ thi xong, thí sinh phải đợi cho đến khi hết giờ làm bài của môn thi cuối cùng mới được rời khỏi điểm thi. Khi di chuyển đến phòng chờ và trong phòng chờ, thí sinh tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự các phòng thi khác và khu vực thi, không được sử dụng điện thoại di động hoặc bất cứ thiết bị liên lạc nào khác; chấp hành hướng dẫn của cán bộ giám sát/cán bộ coi thi.
Đối với thí sinh thi 2 môn thi thành phần không liên tiếp, ngay sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thứ nhất, thí sinh phải dừng bút, nộp đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi; thí sinh phải ngồi nguyên vị trí, giữ trật tự, úp phần bài làm của Phiếu trả lời trắc nghiệm xuống mặt bàn và bảo quản Phiếu trả lời trắc nghiệm trong suốt thời gian chờ thi môn thành phần tiếp theo.
Trường hợp thí sinh trong phòng thi có yêu cầu sửa chữa sai sót các nội dung về: họ, đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, cán bộ coi thi hướng dẫn cho thí sinh khai phiếu yêu cầu sửa chữa sai sót; sau đó lập bảng tổng hợp thí sinh yêu cầu sửa chữa sai sót trong Phiếu đăng ký dự thi nộp cho trưởng điểm thi.