Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Homestay "làm mới mình" để đón khách

Hồng Minh - 15:56, 07/04/2022

Tính từ đầu tháng 3 vừa qua, có lẽ chính là khoảng thời điểm “sống lại” của ngành Du lịch, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức mở cửa du lịch. Cùng với sự nhộn nhịp trở lại của các khu du lịch trên cả nước, những Làng văn hóa du lịch cộng đồng, những khu homestay cũng đã bắt đầu đón khách trở lại. Đặc biệt, ở nơi đó đang được làm mới , bởi những sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Khách du lịch lưu trú lại Hồng Thu homestay
Khách du lịch lưu trú lại Hồng Thu homestay

Với nhiều điểm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, từ lâu đã trở thành điểm đến khó bỏ qua, khi đặt chân tới mảnh đất địa đầu Tổ quốc- Hà Giang. Nếu trước đây, khách du lịch biết đến Nặm Đăm qua những địa điểm như: Cổng trời Quản Bạ, Núi đôi Cô Tiên, Động Lùng Khúy, HTX dệt lanh Lùng Tám, Cán Tỷ, Tường thành Cán Tỷ… thì nay đến Nặm Đăm sẽ được trải nghiệm thêm những sản phẩm du lịch mới.

Chị Lý Hồng Thu, chủ Hồng Thu homestay ở Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ chia sẻ: Trước xu thế cả nước mở cửa du lịch, những người làm du lịch như chúng tôi hết sức phấn khởi, và đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện đón khách. "Riêng nhà tôi đã đầu tư xây dựng 3 Bungalow theo kiến trúc đặc trưng của người Dao, với kinh phí trên 300 triệu đồng. Bổ sung các hoạt động trải nghiệm văn hóa như: Đi dã ngoại, chụp ảnh, trải nghiệm sinh hoạt của người dân địa phương… để phục vụ du khách”.

Bên cạnh đó, hệ thống nhà hàng, dịch vụ lưu trú, khách sạn trên địa bàn cũng chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch như khai báo y tế, quét mã QR code, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang…

 Những phòng Bungalow mới hoàn thiện tại Hồng Thu homestay
Những phòng Bungalow mới hoàn thiện tại Hồng Thu homestay

Cùng với các hộ gia đình làm du lịch, về phía chính quyền huyện Quản Bạ, cũng có nhiều hoạt động để kích cầu du lịch như: trồng hoa, tạo cảnh quan 2 bên đường; chỉnh sửa, tháo dỡ các pa nô, biển bảng đã cũ, thay vào những biển mới.

Có lẽ, nếu nhìn ở góc độ tích cực, thì Covid-19 đã cho chúng ta thời gian nhìn lại mình để rồi điều chỉnh, chuẩn bị hành trang tốt hơn để quay trở lại. Và du lịch cũng thế. Khoảng thời gian đóng băng cũng chính là thời điểm để ngành Du lịch nhìn về quá khứ, chuẩn bị một bước tiến mới mạnh hơn.

Có thể nhìn thấy điều đó ở Homestay Lâm Khang, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Sau thời gian nghỉ dịch, homstay đã chỉnh trang, nâng cấp và làm mới cơ sở vật chất, trồng cây, trồng hoa tạo cảnh quan, điểm check-in, khảo sát, học hỏi thêm kinh nghiệm các nơi. Đến đầu năm 2022, điểm nghỉ dưỡng này đã thường xuyên đón các lượt khách trong và ngoài tỉnh về tham quan, trải nghiệm.

Vẻ đẹp thiên nhiên tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An (Ảnh: Sách Nguyễn)
Vẻ đẹp thiên nhiên và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An luôn thu hút khách du lịch (Ảnh: Sách Nguyễn)

Bà Lang Thị Kim, Giám đốc Homestay Lâm Khang, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong cho biết: Mới đây, để thu hút du khách về với Lâm Khang, chúng tôi đã tổ chức chương trình "Có hẹn với Lâm Khang" - Chương trình một ngày đêm về với bản làng vừa là một chương trình trải nghiệm thú vị về cảnh sắc, con người và văn hóa của dân tộc Thái. Tham gia trải nghiệm, du khách sẽ được tham gia các hoạt động cùng với đồng bào Thái như uống rượu cần, nhảy sạp, đốt lửa trại, bắt cá, mò ốc, leo đồi hái rau rừng... và nhiều dịch vụ thú vị khác.

Còn tại Khu du lịch sinh thái Phà Lài ở bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An), hơn nửa tháng qua, thì hoạt động du lịch đã trở lại tấp nập. Bà Vi Thị Thắm, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Phà Lài chia sẻ: Ngay khi có chủ trương mở cửa trở lại, Khu du lịch sinh thái Phà Lài đã chuẩn bị cơ sở vật chất, về nhân sự và các gói dịch vụ sản phẩm mới để phục vụ du khách. 

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn dịch Covid-19, Khu du lịch sinh thái Phà Lài còn chuẩn bị các phương án khi tiếp đón các đoàn khách, nếu có người mắc Covid-19 sẽ bố trí phòng riêng, chỗ ở đảm bảo, an toàn để du khách yên tâm khi đến với Phà Lài.

4. Du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm cùng nông dân tại Khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh (Cần Thơ). Ảnh: TL
Du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm cùng nông dân tại Khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh (Cần Thơ). Ảnh: TL

Theo chia sẻ của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh: Toàn ngành sẽ nỗ lực để thực hiện mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng trong năm 2022.

 Theo đó, Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026, chia lộ trình cho ngành du lịch ở giai đoạn phục hồi và phát triển. Giai đoạn 2022-2023 là giai đoạn phục hồi và cần nhiều nguồn lực, hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, bộ, ngành; cố gắng đến hết năm 2023 thì phục hồi từ 45-50% so với trước dịch Covid-19, tức là đón khoảng 9 triệu lượt khách quốc tế.

Với sự quyết tâm của ngành du lịch, những dấu hiệu tích cực trong hoạt động du lịch ở các địa phương những tháng gần đây, chúng ta có thể chắc chắn rằng, ở những bản làng vùng DTTS và miền núi với vẻ đẹp của thiên thiên, sự phong phú trong văn hóa cộng đồng các DTTS... sẽ lại từng ngày hân hoan đón thật nhiều những đoàn khách du lịch từ khắp nơi, để từ đó đồng bào có thêm nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển quê hương.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.