Tục truyền ngày xưa, bên dãy núi Khau Mười có một đôi trai gái người Nùng yêu nhau say đắm, họ thường hẹn gặp nhau tại các phiên chợ, trao cho nhau những câu hát sli, hát lượn giao duyên ngọt ngào. Qua ngày Tết cổ truyền chàng trai tìm đến nhà cô gái để xin cưới, cha cô gái không ưng rể xa nên thách cưới cao mong làm nhụt chí chàng trai.
Không có đủ lễ vật thách cưới, không lấy được người mình yêu, người con trai quay trở về, thì nhận được báo tin mẹ đã mất do bệnh nặng. Thất vọng trong tình yêu, ân hận vì không chăm sóc mẹ già, chàng trai đã bỏ lên đỉnh núi Khau Mười nơi chàng trai và cô gái gặp nhau đầu tiên, chàng gieo mình xuống vực thẳm tự vẫn. Cô gái hay tin, cũng tìm lên chỗ chàng trai tự vẫn gieo mình xuống theo.
Để tưởng nhớ về câu chuyện tình của đôi trai gái năm xưa, hằng năm vào mùa hoa gạo nở đỏ trời, người dân nơi đây tổ chức Hội Thồng báo Slao, những ngày này, các đôi trai gái Tày, Nùng nơi đây tìm đến với nhau, trao nhau những câu hát sli, hát lượn, hát then đàn tính, giao duyên đối đáp nhau tình tứ. Đây cũng là dịp để người ta tìm đến nhau, kể cho nhau nghe về cuộc sống của những cặp đôi yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau.
Trước đây, lễ hội thường kéo dài 3 ngày gồm có phần lễ và phần hội. Phần lễ được thực hiện tại miếu Háng Cáu ở gần khu chợ Háng Cáu. Lễ vật cúng tế bao gồm: Một con lợn béo đặt ở ban thờ chính giữa. Lợn được làm sạch để nguyên cả con, đi kèm theo có rượu cả hương hoa, khẩu sli, bánh khảo được làm từ gạo nếp, đường phên, một con gà trống thiến nhằm cầu mong mưa thuận, gió hòa, tình yêu đôi lứa được sinh sôi nảy nở. Từ năm 2005 sau khi phục dựng lại, thì Hội chỉ diễn ra một ngày vào 21 tháng Giêng.
Đến với lễ hội du khách không chỉ có dịp được thưởng thức hát then, đàn tính, hát sli, hát lượn mà còn có dịp trải nghiệm các trò chơi dân tộc như: tung còn, nhảy bao bố, chơi cờ người; đặc biệt là có thể thưởng thức những món đặc sản như lợn quay, vịt quay, khâu nhục… mang hương vị đặc trưng riêng của miền biên giới xứ Lạng.
Đặc biệt, Hội Thồng báo slao mấy năm trở lại đây không chỉ thu hút đồng bào các dân tộc trong khu vực tham gia mà còn cả du khách giáp biên giới nước bạn. Năm 2018, Lễ hội có sự tham gia giao lưu biểu diễn của các đội văn nghệ đến từ huyện Long Châu và thị xã Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Ông Nông Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Quốc Khánh cho biết: Hội Thồng báo slao được khôi phục, đã trở thành nơi giao lưu văn hóa cho cư dân biên giới của Việt Nam và nước bạn giáp biên bên Trung Quốc; là dịp để bạn bè, người thân, các cặp trai- gái có dịp gặp gỡ, tâm tình, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong lao động, sản xuất và cuộc sống...
HỒNG THOA