Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hội thảo phát triển nguồn nhân lực DTTS các tỉnh Tây Bắc

Trọng Bảo - 16:52, 20/12/2021

Chiều ngày 20/12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến “Phát triển nguồn nhân lực các DTTS ở các tỉnh Tây Bắc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”. Tham gia buổi hội thảo có đại biểu của các tỉnh Sơn La, Yên Bái và Lai Châu.

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Lào Cai
Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Lào Cai

Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định, then chốt, đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, địa phương. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang trở thành nhiệm vụ cấp bách.

Với sự ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cho thấy, đường lối, chủ trương về phát triển nguồn nhân lực thời gian tới đáp ứng yêu cầu, bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm của cấp ủy đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tây Bắc là địa bàn sinh sống của nhiều cộng đồng DTTS và là vùng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước. Nguồn nhân lực DTTS là nhân tố trung tâm, có vai trò quyết định đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Tuy nhiên, về tổng thể, Tây Bắc vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, chậm phát triển. Cụ thể, hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của vùng còn 24,23% (gấp gần 5 lần so với mức bình quân của cả nước). Nguồn nhân lực DTTS vùng Tây Bắc được đánh giá là có trình độ thấp, chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, tập chung trong lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng, cơ cấu và chất lượng nhân lực DTTS chưa theo kịp với sự phát triển chung và yêu cầu thực tiễn. Việc quan tâm phát triển nguồn nhân lực trong khu vực có quy mô, chất lượng cao, tạo ra lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển của từng địa phương.

Là địa phương có trên 60% dân số là người DTTS, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực DTTS. Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thì tỉnh cũng ban hành nhiều đề án, chính sách cụ thể, cơ chế đặc thù phù hợp với thực tiễn giáo dục vùng cao, vùng sâu, vùng xa…

 Đối với việc triển khai chính sách phát triển đội ngũ cán bộ DTTS, tỷ lệ người DTTS tham gia vào bộ máy nhà nước tăng hằng năm. Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Lào Cai đã có gần 1.400 lượt lượt cán bộ DTTS được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại. Trong tuyến dụng công chức, viên chức hằng năm tỉnh luôn giành một tỷ lệ nhất định để tuyển dụng đội ngũ cán bộ DTTS…

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại nhất định: Chưa có đề án hoặc kế hoạch riêng về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức DTTS; tỷ lệ cán bộ, công chức trên tỷ lệ dân số chưa cân đối…

Tại hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn nêu lên thực trạng trong công tác phát triển nguồn nhân lực các DTTS trong thời gia qua của mỗi địa phương nói riêng và của cả vùng Tây Bắc nói chung. Từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới…/.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.