Điện Biên là vùng đất cư trú lâu đời của 19 dân tộc, trong đó có 18 cộng đồng DTTS với những bản sắc văn hoá đặc trưng còn được lưu giữ, có giá trị thực tiễn và giá trị nghệ thuật, đặc biệt là trang phục truyền thống. Đây là các sản phẩm dệt, may thủ công vốn được sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân và những biến đổi môi trường sống và sự giao thoa văn hóa, kỹ thuật tạo ra các nguy cơ mất dần những di sản văn hóa, phai nhạt các bản sắc văn hóa và những giá trị truyền thống. Đây là một thực tế mà từng dân tộc cũng như tỉnh Điện Biên đang phải đối mặt.
Theo tiến sĩ Vũ Đình Toán, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển văn hóa nghệ thuật Đất Việt, Hội thảo nhằm mục tiêu tập hợp hệ thống tư liệu và nghiên cứu, đánh giá giá trị, thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ xu hướng và giải pháp bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Mông ở Điện Biên; nghề dệt may sản xuất các trang phục truyền thống của dân tộc Thái tại Điện Biên hiện nay; thực trạng nghề dệt may sản xuất các trang phục truyền thống của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến ở Điện Biên; vấn đề giữ gìn và phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên qua góc nhìn của hoạt động bảo tàng; bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Điện Biên nên như thế nào và bắt đầu từ đâu…
Sau Hội thảo, các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên sẽ được Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa nghệ thuật Đất Việt tổng hợp, bổ sung và hoàn thiện đề tài “Bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên phục vụ phát triển du lịch”.