Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, Đề cương Đề án “Tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 - 2030” được xây dựng gồm 4 phần: Sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án; thực trạng đời sống kinh tế - xã hội của các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù và kết quả thực hiện Quyết định 39/2020/QĐ-TTg; xây dựng tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 - 2030 và tổ chức thực hiện.
Dự thảo Đề án đề xuất mở rộng địa bàn phạm vi áp dụng là địa bàn các xã, thôn thuộc vùng đồng bào DTTS mà không giới hạn ở địa bàn xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn như quy định tại Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ với mục đích để không bỏ sót đối tượng hộ nghèo dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù sống tại các xã khu vực I, II và để chính sách dân tộc đối với các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù được phủ rộng tới toàn quốc.
Qua tổng hợp tiếp thu giải trình ý kiến, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đồng thuận với đề xuất của UBDT là mở rộng địa bàn các xã, thôn thuộc vùng đồng bào DTTS mà không giới hạn ở địa bàn xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn làm rõ cơ sở đề xuất.
Đối với đề xuất tiêu chí xác định dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, tại dự thảo Đề án, UBDT đề xuất 2 phương án và lựa chọn phương án 1 xác định dân tộc còn gặp nhiều khó khăn khi đáp ứng 1 trong 3 tiêu chí sau:
Tiêu chí 1: Có tỷ lệ bình quân hộ nghèo đa chiều lớn hơn so với bình quân chung tương ứng của 32 DTTS còn gặp nhiều khó khăn giai đoạn 2021 - 2025.
Tiêu chí 2: Có tỷ lệ bình quân người từ 15 đến 60 tuổi không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông lớn hơn so với bình quân chung tương ứng của 32 DTTS còn gặp nhiều khó khăn giai đoạn 2021 - 2025.
Tiêu chí 3: Có tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi lớn hơn so với tỷ suất bình quân chung tương ứng của 32 DTTS còn gặp nhiều khó khăn giai đoạn 2021 - 2025.
Qua tổng hợp tiếp thu giải trình ý kiến, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đồng thuận theo phương án 1 và đề nghị UBDT làm rõ cơ sở đề xuất.
Đối với đề xuất tiêu chí xác định dân tộc có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 - 2030, tại dự thảo Đề án, UBDT đề xuất dân tộc có khó khăn đặc thù là dân tộc đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí:
Tiêu chí 1: Là dân tộc có dân số dưới 10.000 người.
Tiêu chí 2: Là dân tộc có số dân trên 10.000 người, nhưng có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều lớn hơn 60% bình quân chung của 53 DTTS toàn quốc.
Qua tổng hợp tiếp thu giải trình ý kiến, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đồng thuận với 2 tiêu chí đề xuất và đề nghị UBDT làm rõ cơ sở đề xuất tỷ lệ nghèo đa chiều lớn hơn 60%.
Về quy trình xác định dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2025 - 2030, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, tại dự thảo Đề án, UBDT đề xuất phân cấp cho Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù tới từng thôn, bản thuộc địa bàn địa phương mình sau khi có ý kiến thẩm định của UBDT.
Khác với quy trình đã quy định tại giai đoạn 2021 - 2025 là không có Quyết định của Thủ tướng phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù toàn quốc (như Quyết định số 1227/QĐ-TTg).
Qua tổng hợp tiếp thu giải trình ý kiến, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đồng thuận với đề xuất của UBDT là phân cấp cho Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù tới từng thôn, bản thuộc địa bàn địa phương.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì xây dựng Đề án, đồng thời phân tích, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể đối với các nội dung chủ yếu cùng các vấn đề còn vướng mắc trong việc xây dựng, hoàn thiện đề cương dự thảo Đề án.