Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hồi sinh làng nghề thổ cẩm trăm năm tuổi của người Ba Na

Như Quỳnh-Thành Nhân - 22:11, 14/11/2023

Đối với đồng bào DTTS, nghề dệt thổ cẩm truyền thống được xem là một nét văn hóa độc đáo được truyền từ đời này sang đời khác. Tại làng Hà Văn Trên, huyện Vân Canh (Bình Định), nghề dệt thổ cẩm được gìn giữ nguyên vẹn, không chỉ giúp cho đồng bào Ba Na có thêm thu nhập, mà thông qua sự kết hợp với du lịch cộng đồng, sắc màu thổ cẩm của làng nghề trăm năm tuổi này ngày càng được tôn vinh.

Nghề dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên đang hồi sinh
Nghề dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên đang hồi sinh

Giữ tinh hoa làng nghề

Làng Hà Văn Trên được xem là một trong những “cái nôi” về dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời của người Ba Na ở Bình Định. Hằng ngày, ngoài việc nương rẫy, đồng bào Ba Na vẫn duy trì và phát huy nghề dệt, như sự giữ gìn một nét văn hoá đặc trưng của ông cha mình từ trăm năm trước. Theo thời gian, làng nghề dệt thổ cẩm Hà Văn Trên cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Để giữ gìn tinh hoa của làng nghề dệt thổ cẩm, không thể không kể đến những nghệ nhân tâm huyết, một lòng muốn giữ nghề. Theo những người cao tuổi trong làng, trước kia hầu hết các hộ trong làng đều gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, đến nay tại làng Hà Văn Trên còn khoảng hơn 70 người, chủ yếu là phụ nữ đang ngày đêm tỉ mỉ với từng mũi chỉ đường kim, để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm độc đáo.

Các nghệ nhân đang miệt mài bên khung cửi
Các nghệ nhân đang miệt mài bên khung cửi

Bắt đầu học dệt thổ cẩm từ năm 12 tuổi, đến nay nghệ nhân Đinh Thị Lên (64 tuổi) là một trong những nghệ nhân có tay nghề cứng trong làng. Theo bà Lên, nguyên liệu chính làm nên thổ cẩm trước đây là bông, sau này được thay thế bằng len. Len sau khi mua về được người thợ tháo ra và đưa vào xa kéo sợi để xe len thành chỉ. Khi quay xa phải đều tay thì sợi chỉ mới san, mới dai dễ dệt thành vải. 

“Ngày trước làm hoàn toàn bằng thủ công, nguyên liệu phải vào rừng kiếm như bông về kéo sợ, vỏ cây về nhuộm nên vải chỉ ba màu chính là đỏ, đen, trắng. Để dệt được một bộ đồ để mặc cũng rất kỳ công. Nhưng hiện nay, người dân sử dụng len để dệt thổ cẩm nên nhanh hơn, màu sắc và hoa văn cũng đa dạng hơn. Bởi thế, muốn sản phẩm đẹp thì khâu nhuộm được coi là quan trọng nhất, đòi hỏi kinh nghiệm, thẩm mỹ cao để pha màu sao cho đa dạng và hài hoà” bà Lên nói.

Đang miệt mài với chiếc khung cửi ở góc vườn, thấy có khách đến hỏi thăm, bà Đinh Thị Liên (74 tuổi) vui vẻ cho hay: Bà tập tành học dệt từ lúc còn rất nhỏ. Đến khoảng 14 tuổi, bà đã rành rọt từng đường may mũi chỉ và các bức hoa văn trên các bộ trang phục. “Trước kia, hầu như mọi nhà đều có khung dệt, chủ yếu dệt vải cho gia đình sử dụng hoặc bán cho một số người trong làng hỏi mua. Ngày trước, chủ yếu dệt quần áo thường dùng, đồ học sinh. Nhưng sau này khách có nhu cầu đặt hàng nên làm nhiều hơn” bà Liên chia sẻ thêm.

Cũng theo bà Liên, nghề dệt thổ cẩm như thấm sâu vào người, ở làng có rất nhiều người biết dệt từ rất sớm. Thế nhưng, hiện nay trong làng số người theo nghề đã dần ít đi, nhất là lớp trẻ ít người chịu học. Chính vì vậy, những người nghệ nhân trong làng động viên nhau cố gắng gìn giữ nét tình hoa của cha ông mình. “Chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu rằng gìn giữ nghề dệt thổ cẩm là giữ linh hồn của đồng bào mình. Đó là nét văn hóa đặc trưng nếu không gìn giữ thì nguồn cội, tổ tiên sẽ dần mai một rồi mất đi”, bà Liên tâm sự.

Tìm hướng đi mới cho thổ cẩm

Không chỉ giỏi nghề, bà Đinh Thị Lên còn truyền dạy cho các con cháu của mình. Đến nay các chị Đinh Thị Xuân (39 tuổi), Định Thị Thoại (37 tuổi) và La Thị Ngọc Ánh (24 tuổi) đều đã thạo các đường kim mũi chỉ, rành nhiều nét hoa văn thổ cẩm. Bà Lên cũng như các nghệ nhân đang giữ nghề, vẫn ngày đêm tìm hướng “cách tân” các sản phẩm thổ cẩm để tạo nên sự đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách.

Hằng ngày, nghệ nhân Đinh Thị Lên vẫn miệt mài bên khung dệt
Hằng ngày, nghệ nhân Đinh Thị Lên vẫn miệt mài bên khung dệt

Bà Lên cho biết: Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại len nên chúng tôi làm ra sản phẩm cũng phong phú và cách tân; đồng thời cũng phải ghiên cứu để tạo thêm các hoa văn, mẫu mã mới để sản phẩm làm ra ngày càng đẹp hơn, sắc sảo hơn. Ngoài làm các mẫu quần áo, chúng tôi đang hướng tới làm các loại túi xách, hy vọng có nhiều thị trường hơn.  Để làm được một bộ váy thổ cẩm hoàn chỉnh thì phải qua rất nhiều công đoạn, đối với những nghệ nhân lành nghề nhất làng, mỗi tháng cao tay chỉ làm được 1-2 bộ. Do vậy, tuỳ vào mức độ hoa văn trên các bộ sản phẩm, và thời gian để tạo nên những bộ đồ thổ cẩm độc đáo mà có giá bán cũng khác nhau. 

“Váy thổ cẩm dành cho nữ giá khoảng 3-4 triệu đồng mỗi bộ, áo nam đơn giản thì có giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu mỗi bộ. Nếu đầu ra của sản phẩm tốt, thu nhập của người dân từ nghề dệt sẽ được cải thiện. Từ đó, nhiều người sẽ gắn bó với với nghề hơn, làng nghề sẽ được hồi sinh mạnh mẽ ” bà Lên cho hay.

Chia sẻ với phóng viên về định hướng giúp người dân gìn giữ nghề dệt thổ cẩm, bà Đinh Thị Bông, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận cho rằng: Trước hết, cần tạo điều kiện để nghệ nhân sống tốt với nghề dệt, bằng cách quan tâm, hỗ trợ hơn nữa các nhu cầu liên quan đến làng nghề. Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng nhà trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm, các sản phẩm thủ công do nghệ nhân toàn huyện làm ra, đồng thời kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng.

Những người dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên vẫn mong muốn có nhiều đầu ra cho sản phẩm
Những người dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên vẫn mong muốn có nhiều đầu ra cho sản phẩm

Điều đáng mừng là năm 2020, “Vải thổ cẩm Hà Văn Trên” đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Có thể nói, đây là một niềm vui lớn đối với những người tâm huyết với dệt thổ cẩm. Hai năm sau đó, tổ liên kết phụ nữ dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên được thành lập và hình thành làng nghề sản xuất tập trung. 

“Hiện nay, đối với một số nghệ nhân làm xuyên suốt cả năm thì thu nhập trung bình cũng từ 40-50 triệu đồng. Nếu được tạo điều kiện tốt hơn thì trong lương lai, sản phẩm đầu ra của người dân được tốt thì thu nhập sẽ được tiếp tục tăng lên. Nếu kết hợp với du lịch cộng đồng, làng nghề thổ cẩm Hà Văn Trên sẽ còn có những khởi sắc” bà Bông tin tưởng.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết, để phát huy làng nghề dệt thổ cẩm Hà Văn Trên, huyện cũng chú trọng và có kế hoạch mở các lớp dạy nghề cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh ở một số trường nội trú. Huyện đang có kế hoạch mở nhà trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm; đồng thời quảng bá hình ảnh thổ cẩm địa phương đến với du khách để tìm kiếm thêm đầu ra hỗ trợ người dân. Trong tương lai, huyện mong muốn hình thành du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề, từ đó tạo ra sự đột phá, tìm kiếm thêm nguồn thu nhập cho người dân.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Ðề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam, giai đoạn 2021-2025, Sở Văn hóa Thể thao phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Bình Định và chính quyền các địa phương, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách đầu tư, hỗ trợ người dân khôi phục, phát triển làng nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.