Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2022 - 2023 thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ

Mai Hương - 17:54, 15/02/2023

Chiều 15/2, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Đồng chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú; Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng; Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; cùng đại diện lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố và các sở, ban ngành trực thuộc. 

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến điểm cầu tại Chi nhánh NHCSXH 63 tỉnh, thành phố.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHCSXH đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, NHCSXH đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, xây dựng, ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức giải ngân các chương trình tín dụng, hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt kết quả đáng ghi nhận, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, tổng nguồn vốn cho vay tối đa các chính sách tín dụng trong 2 năm 2022 - 2023 là 38.400 tỷ đồng.

Đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 283.348 tỷ đồng, tăng 35.378 tỷ đồng so với năm 2021 với trên 6.550 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các Chương trình tín dụng theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 254.191 tỷ đồng, tăng 30.179 tỷ đồng  so với cuối năm 2021.

Tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với các Chương trình được Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm tăng 16.785 tỷ đồng, hoàn thành 99,9% kế hoạch được giao; tăng trưởng dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 16.024 tỷ đồng, hoàn thành 84,3% kế hoạch năm 2022.

Trong năm 2022, NHCSXH thực hiện giải ngân các Chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 16.024 tỷ đồng với gần 300.000 lượt khách hàng được vay vốn, trong đó: Chương trình cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến đạt 827 tỷ đồng, mua gần 86.000 máy vi tính và thiết bị học tập trực tuyến; Chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt 4.032 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng hơn 10,8 nghìn căn nhà; Chương trình cho vay hỗ trợ việc làm đạt 10.000 tỷ đồng, với hơn 211.000 khách hàng được vay vốn tạo việc làm; Chương trình cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 194 tỷ đồng, cho gần 2,6 nghìn cơ sở giáo dục được vay vốn; Chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 971 tỷ đồng với gần 19,5 nghìn khách hàng vay vốn.

Đến 31/12/2022, NHCSXH giải ngân số vốn vay các Chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 93.000 tỷ đồng, cho trên 2,2 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ là 878 tỷ đồng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định, tín dụng CSXH đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng trong cả nước. Đặc biệt trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện đến nền kinh tế nước ta, trong đó người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đề nghị các bộ, ban, ngành chức năng của Trung ương, các tỉnh, thành phố cần tập trung xem xét, giải quyết hợp lý, kịp thời các đề xuất, kiến nghị của NHCSXH để tạo điều kiện cho Ngân hàng triển khai thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các chính sách tín dụng.

Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, gồm: Sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về định mức và cơ chế đầu tư hỗ trợ các dự án, chính sách trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025, để bảo đảm hành lang pháp lý phối hợp đồng bộ các nguồn vốn thực hiện Chương trình.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị

Chỉ đạo các cơ quan dân tộc theo ngành dọc tại các địa phương phối hợp với các sở, ngành và NHCSXH tại địa phương sớm tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành quy trình rà soát, lập và phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách; kịp thời báo cáo, tham mưu tháo gỡ khó khăn tại cơ sở.

Nghiên cứu, đề xuất các hoạt động thu hút, huy động nguồn lực hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng để phổ biến, vận động Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tham gia thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG DTTS và miền núi.

Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và Tổ công tác bám sát các kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi; tổng hợp, theo dõi tiến độ triển khai và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình ở cấp Trung ương và địa phương với Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội.

Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách dân tộc liên quan đến vùng đồng bào DTTS miền núi để báo cáo với Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc cũng có một số kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, cơ quan trung ương xem xét giải quyết một số nội dung như: Xem xét giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2023 và sớm phê duyệt hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh năm 2023 để bảo đảm hỗ trợ cho NHCSXH huy động đủ nguồn vốn thực hiện cho vay.

Các bộ, ngành chủ quản các chính sách nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia sớm xem xét, ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình nhằm tạo điều kiện cho địa phương dễ hiểu, dễ thực hiện.

Đối với dự án dược liệu quý đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành có liên quan và các địa phương có vùng trồng dược liệu quý tập trung triển khai, lựa chọn, ban hành nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất của địa phương theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và kịp thời tháo gỡ khó khăn để triển khai, thực hiện tại các vùng trồng dược liệu.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội.

Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương: Tiếp tục, quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW.

Kịp thời rà soát, lập và phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo từng nhóm đề án, tiểu dự án, dự án làm cơ sở để NHCSXH kịp thời cho vay.

Sớm ban hành bộ thủ tục, hồ sơ thực hiện cho vay đối với dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và dược liệu quý; chủ động tháo gỡ những khó khăn theo thẩm quyền để NHCSXH có cơ sở triển khai thực hiện cho vay đúng quy định.

Các địa phương nằm trong địa bàn thực hiện chính sách tín dụng tại vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định 28 cần sớm xác định, xây dựng kế hoạch và tổng hợp nhu cầu vốn tín dụng của các đối tượng thụ hưởng chính sách đối với các dự án làm cơ sở để NHCSXH xây dựng kế hoạch tín dụng bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu vốn và thực hiện cho vay theo Nghị định 28 và Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Để triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trong thời gian tới NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP; rà soát đối tượng vay vốn; tập trung tổ chức cho vay bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc. NHCSXH nơi cho vay tham mưu UBND các huyện, thành phố, cơ quan Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ có mức sống trung bình theo quy định để làm cơ sở thực hiện cho vay.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.