Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc với Ủy ban Dân tộc

Hoàng Quý - 20:30, 21/02/2023

Ngày 21/2, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội đã có buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc (UBDT). Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đồng chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có các Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội: Nguyễn Lâm Thành; Cao Thị Xuân; Đinh Thị Phương Lan cùng các thành viên HĐDT, Vụ Dân tộc Văn phòng Quốc hội. Về phía UBDT có các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải; lãnh đạo một số vụ, đơn vị trực thuộc UBDT.

Giám sát tối cao về các chương trình MTQG có nhiều điểm mới, đặc thù

Báo cáo “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, của HĐDT cho biết năm 2023 Quốc hội đã quyết định ban hành kế hoạch Giám sát tối cao về các Chương trình MTQG.

Cụ thể: Thứ nhất, sẽ giám sát đồng thời cả 3 Chương trình MTQG, thay vì trước đây chỉ tiến hành giám sát từng chương trình. Nhiệm vụ được giao cho 3 cơ quan chủ trì, phối hợp là HĐDT, Ủy ban xã hội và Ủy ban kinh tế. Trong đó HĐDT là cơ quan thường trực của Đoàn giám sát.

Thứ hai, hoạt động giám sát được tiến hành ngay trong quá trình triển khai thay vì tiến hành giám sát vào thời điểm đã kết thúc chương trình hoặc giai đoạn 5 năm của chương trình. Nội dung giám sát sẽ tập trung nhiều vào phân tích, đánh giá trình khả thi, phù hợp của các chính sách, dự án, tiểu sự án trong Chương trình MTQG.

Thứ ba, báo cáo kết quả giám sát sẽ là báo cáo chung của cả 3 chương trình. Vì vậy, nội dung báo cáo cần thể hiện được mối liên hệ, tính thống nhất, chỉ rõ chồng chéo, bất cập trong quản lý chỉ đạo, điều hành của cả 3 chương trình. Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Chính phủ thực hiện một cách đồng bộ, đồng thời khuyến nghị những nội dung, các chương trình MTQG cho giai đoạn sau (2026 - 2031).

Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại buổi làm việc

Thứ tư, trước khi Đoàn giám sát tiến hành giám sát các bộ, ngành trung ương và địa phương, sẽ có các tổ công tác đến làm việc trước để chuẩn bị nội dung liên quan phục vụ cho Đoàn giám sát.

Hiện nay, Đoàn giám sát của Quốc hội đã ban hành kế hoạch giám sát chi tiết, đề cương gửi Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Theo kế hoạch, có hai mốc thời gian gửi báo cáo: Báo cáo lần I gửi Đoàn giám sát trước ngày 15/2/2023 (số liệu tính đến hết 31/12/2022); bổ sung, cập nhập thông tin, số liệu và gửi báo cáo lần II trước ngày 15/7/2023 (cập nhập đến hết 30/6/2023).

Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc

Nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, để bảo đảm đồng bộ hóa chính sách dân tộc, trong nhiệm kỳ khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đã giao cho HĐDT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan đề xuất, nghiên cứu, xây dựng Luật Dân tộc. Thường trực HĐDT đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu cụ thể với các nội dung chính như:

Về định hướng mục tiêu: Nghiên cứu cần lý giải, làm rõ được nguyên nhân của việc chưa thành công quá trình xây dựng luật dân tộc trong các giai đoạn vừa qua; đề xuất cơ sở lý luận, phương pháp tiếp cận, định hướng nội dung, nội hàm xây dựng luật dân tộc; phân tích hệ thống pháp luật, chính sách về dân tộc theo hướng đồng bộ hóa trên cơ sở quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013.

Để làm rõ được các nội dung trên, cần phải có cơ chế để mời thêm các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm liên quan đến công tác dân tộc và xây dựng luật; tổ chức nghiên cứu các chuyên đề sâu theo từng lĩnh vực; tổ chức hội thảo, khảo sát tại các bộ, ngành, địa phương.

Thời gian thực hiện nghiên cứu dự kiến 2 năm, từ năm 2023 đến năm 2024. Căn cứ vào tình hình cụ thể sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc

Tiến tới đồng bộ hóa các Chính sách dân tộc

Theo báo cáo của Ban Soạn thảo xây dựng Đề án đồng bộ hóa Chính sách dân tộc cho biết Đề án được thực hiện trên cơ sở Quyết định số 2362-QD/ĐĐQH14, ngày 24/6/2021 của Đảng đoàn Quốc hội ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình công tác toàn khóa XV của HĐDT.

Mục đích của Đề án nhằm rà soát các nội dung có quy định liên quan đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc; phân tích, đánh giá thực trạng; đề xuất định hướng đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong thời gian tới, làm cơ sở cho việc nghiên cứu xây dựng Luật Dân tộc.

Về kết quả, đến nay đã hoàn thành nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, hệ thống các văn bản của Đảng, Quốc hội làm cơ sở cho nghiên cứu, đồng bộ hóa theo các tiêu chí đã xác định. Đề án đã chỉnh sửa xong đề cương; dự thảo các nội dung nhóm IV. Hoàn thành nghiên cứu 4 chuyên đề chính (giáo dục - đào tạo; y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; dân số - kế hoạch hóa gia đình; văn hóa, thể thao); tiếp tục nghiên cứu các báo cáo của chuyên gia để chỉnh sửa, hoàn thiện theo tiêu chí đồng bộ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh tán thành với những nội dung báo cáo của HĐDT. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, UBDT sẵn sàng phối hợp, cung cấp thông tin cần thiết về các nội dung cần triển khai cho HĐDT; đồng thời cử một Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm và vụ, đơn vị đầu mối phối hợp với HĐDT trong từng nhóm nhiệm vụ cụ thể.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh mong muốn HĐDT tăng cường công tác phối hợp, cử đầu mối liên hệ với UBDT để công việc được thuận lợi và đạt kết quả cao; đồng thời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề xuất cho UBDT tham gia vào Ban Soạn thảo xây dựng Đề án đồng bộ hóa Chính sách dân tộc để công tác phối hợp được chặt chẽ, thuận lợi hơn.

Phó Chủ tịch HĐDT Nguyễn Lâm Thành trình bày báo cáo Giám sát tối cao về các chương trình MTQG
Phó Chủ tịch HĐDT Nguyễn Lâm Thành trình bày báo cáo Giám sát tối cao về các chương trình MTQG

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đánh giá buổi làm việc đã thống nhất được các nhóm nội dung lớn, là: Công tác phối hợp triển khai Chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, trong đó tập trung vào Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; triển khai kế hoạch nghiên cứu xây dựng Luật Dân tộc; tình hình thực hiện xây dựng Đề án “Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013; việc thực hiện Đề án “Xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và xây dựng danh mục các dân tộc Việt Nam”…

Chủ tịch HĐDT đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT và các đại biểu. Chủ tịch HĐDT đề nghị các vị thường trực HĐDT tham gia ý kiến vào báo cáo làm việc, cập nhập các nội dung đã thảo luận tại buổi làm việc bảo đảm đồng bộ.

Đồng thời, Chủ tịch HĐDT đề nghị UBDT quan tâm, phối hợp với HĐDT thực hiện những nội dung đã thảo luận tại buổi làm việc để hoàn thành các nhiệm vụ được giao; lưu ý thời hạn báo cáo Chương trình giám sát tối cao của Quốc hội bảo đảm đáp ứng đầu đủ các vấn đề được phân công cũng như các nội dung phục vụ Đoàn giám sát…

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.