Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Học online ở vùng DTTS, miền núi - Thách thức và cơ hội

Hiếu Anh - 17:58, 17/09/2021

Hiện nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số trường học, trong đó có các trường ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi buộc phải cho học sinh học theo hình thức online. Hình thức học này đang bộc lộ nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, chính trong thách thức lại thêm những cơ hội cho giáo dục miền núi.

Thông qua học online, giáo viên thấu hiểu học sinh của mình hơn. (Ảnh tư liệu)
Thông qua học online, giáo viên thấu hiểu về hoàn cảnh học sinh của mình hơn. (Ảnh tư liệu)

Máy thiếu, sóng yếu

Thầy giáo Hoàng Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn (Sơn La) chia sẻ, việc triển khai dạy học trực tuyến trên địa bàn gặp vô vàn khó khăn. Bởi lẽ, gần 100% học sinh nhà trường không có máy tính cá nhân. Các em chủ yếu dùng điện thoại di động, nhưng mạng internet khu vực này rất kém, lúc có lúc không.

Còn anh Bùi Văn Viện, dân tộc Mường, quê ở Hòa Bình vào Bình Dương lập nghiệp buồn rầu cho biết, vợ chồng anh đang trọ tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát (Bình Dương). Hiện anh chị có 2 người con, con trai lớn vào lớp 3 còn con gái thì vào lớp 1. Cuộc sống của gia đình vốn đã không dư giả. Vừa rồi, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến gia đình càng thêm khó khăn, nhất là việc học tập của các con. Khi biết các con phải học online, anh chị cố gắng chắt bóp nhưng chỉ đủ mua 1 máy tính để các con học tập. Anh Viện cho biết thêm, hiện anh đã vào công ty làm việc “3 tại chỗ”, tới đây, vợ anh cũng có lịch đi làm. Khi ấy, hai con nhỏ chưa biết xoay xở thế nào.

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 12/9, trên cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến). Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp. Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần được hỗ trợ, ước khoảng 1, 5 triệu học sinh. Hiện cả nước còn đến 2.000 điểm lõm sóng internet, đều ở  vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất.

Nhiều học sinh DTTS tích cực vượt khó học online. (Ảnh tư liệu)
Nhiều học sinh DTTS tích cực vượt khó học online. (Ảnh tư liệu)

Cơ hội lâu dài

Mặc dù, hình thức học online là rất khó khăn cho công tác dạy và học ở vùng DTTS, miền núi, tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài như hiện nay, thì đây gần như là hình thức duy nhất phù hợp. Thế nhưng, nhìn ở một góc độ khác, chính trong thách thức này lại bộc lộ các cơ hội lâu dài cho giáo dục miền núi.

Trước hết, ở góc độ của học sinh. Việc học tập online chính là “lửa thử vàng” để rèn luyện sự kiên trì, tinh thần tự giác học tập của các em. Đây là một kỹ năng vô cùng quan trọng và cần thiết trong thời kỳ toàn cầu hóa như hiện nay. Trên thực tiễn, thời gian vừa qua, xã hội đã chứng kiến rất nhiều tấm gương các em học sinh DTTS mượn điện thoại di động trèo lên đỉnh núi cao, ra bờ ruộng thậm chí dựng lán ăn ngủ tại chỗ tìm sóng internet để học tập.

Còn ở góc độ của giáo viên, thầy cô cũng có cơ hội tìm hiểu thêm hoàn cảnh của học sinh, từ đó tăng cường kết nối, thấu hiểu học sinh của mình hơn. Trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển, cô giáo Đinh Thị Hoa Sen, giáo viên Trường THPT Trà Bồng (Quảng Ngãi) cho biết, hiện nay cô đang chủ nhiệm 1 lớp 12, với hơn 40 học sinh chủ yếu là dân tộc Co, Hrê. Đây là năm đầu tiên nhà trường tiến hành dạy online, nên vô cùng bỡ ngỡ. Đa phần các em ở vùng sâu vùng xa nơi sóng internet rất phập phù, hiện có rất nhiều em thiếu thiết bị học tập (máy tính, điện thoại di động…). Tuy nhiên, thông qua hình thức online này, chính cô cũng hiểu hơn hoàn cảnh của từng học sinh, từ đó có những phương pháp giáo dục cho phù hợp.

Không chỉ đáp ứng những cơ hội trước mắt, hình thức học online còn mang lại các cơ hội về lâu dài cho học sinh miền núi. Ngày 12/9 vừa qua, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” .

Thực hiện chương trình này, trong tháng 9/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet, di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện học trực tuyến. Tiếp đó, trong năm 2021, Bộ sẽ tiến hành phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc. Kinh phí dự kiến cho việc phủ sóng vào khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đối với việc cấp máy tính cho học sinh, Chương trình dự kiến ngay tại lễ phát động huy động gần 1 triệu máy tính bảng cho các em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sang giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2023), Chương trình tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến.

Có thể nói, mặc dù hình hình thức học online còn nhiều khó khăn thách thức. Thế nhưng thông qua việc áp dụng hình thức này cũng tạo ra cơ hội mới cho giáo dục miền núi. Đây sẽ là hình thức giáo dục bổ trợ, hữu ích đối với học sinh DTTS không chỉ trong dịch bệnh, mà còn có thể áp dụng trong các tình huống như thiên tai, bão lũ, sạt lở… khi các em khó đến trường trong thời gian dài. Hơn nữa, việc học sinh DTTS được tiếp cận sâu với máy tính, internet cũng tạo cho các em có thêm cơ hội mở mang kiến thức, kỹ năng trong thời đại 4.0.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.