Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hoạ sĩ Nông Cao Thanh, người lan tỏa văn hóa Tày trên vùng Đông Nam Bộ

Lê Vũ – Bảo Trần - 12:04, 02/03/2021

Mặc dù đã chọn Bà Rịa – Vũng Tàu làm nơi sinh sống suốt 30 năm qua, nhưng trong từng tác phẩm, trong từng hoạt động nghệ thuật của mình, họa sĩ Nông Cao Thanh đều nặng lòng với văn hóa Tày và quê hương Cao Bằng nơi anh sinh ra. Anh còn là người luôn tích cực trong việc kết nối cộng đồng người Tày sinh sống tại Bà Rịa- Vũng Tàu.

Một tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Nông Cao Thanh
Một tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Nông Cao Thanh

Giới văn nghệ sĩ tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, không ai là không biết đến họa sĩ Nông Cao Thanh, hay còn có nghệ danh khác là Nông Thanh, đặc biệt là giới mỹ thuật. Mọi người nhớ và quý mến anh ở vai trò là một chủ nhiệm sôi nổi, tích cực của CLB Mỹ thuật, thuộc nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,  và hơn hết anh là một nghệ sĩ chân tình, mộc mạc, sẵn sàng cháy hết mình với công việc. Một người luôn có mặt “trên từng cây số” đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi anh chọn là quê hương thứ 2. 

Gặp chúng tôi, anh rất vui và hồ hởi chia sẻ ngay về những câu chuyện của mình. Anh là người  Tày, quê gốc ở xóm Đông Đô, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Năm 1981, khi mới 9 tuổi, anh được bố mẹ đưa vào Cần Thơ sinh sống, sau đó năm 1991 thì chuyển về Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ đó tới nay, anh đã gắn bó với mảnh đất này vừa tròn 30 năm. 

Chọn mỹ thuật vừa là “nghề” mưu sinh nhưng cũng vừa là “nghiệp”. Hiện nay, anh Thanh là Hội viên Hội Văn học -Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật thuộc nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Anh có một phòng tranh riêng để giới thiệu đến bạn bè và những người yêu nghệ thuật những tác phẩm của mình.

Với quan niệm, phải có trách nhiệm với cộng đồng, với vùng đất mình đã chọn làm quê hương thứ 2, anh Thanh luôn tích cực trong các hoạt động liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật của địa phương. Hầu như chưa có hoạt động nào mà thiếu anh, từ tham dự các gian hàng tranh triển lãm mỹ thuật lớn nhỏ, khi thì hóa thân thành ông đồ viết chữ tại các hội hoa xuân, khi là người nghệ sĩ đường phố vẽ tranh truyền thần trong các Fesival, và thường xuyên nhất là người thầy, người tiền bối luôn nhiệt huyết giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm cho các thế hệ đi sau đam mê mỹ thuật.

Anh Nông Cao Thanh cho biết: “Năm nay, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu sẽ Kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh, nên tôi đang ấp ủ một bộ tác phẩm về biển, về Vũng Tàu như lời tri ân đối với nơi đã cưu mang và cho tôi gắn bó nửa đời người”

Họa sĩ Nông Cao Thanh giới thiệu về các vật dụng xưa của người Tày mà anh sưu tầm
Họa sĩ Nông Cao Thanh giới thiệu về các vật dụng xưa của người Tày mà anh sưu tầm

Nói rồi, anh dẫn chúng tôi chiêm ngưỡng bộ sưu tập độc đáo của mình. Anh nói, mơ ước lớn nhất trong đời, đó là hoàn thành và có nơi trưng bày các vật dụng, các tác phẩm liên quan đến văn hóa Tày mà mình đã sáng tạo, hoặc sưu tầm được suốt mấy chục năm qua. "Rất tiếc điều kiện chưa cho phép nên mình đang cất giữ trong nhà. Mỗi đồ vật đều là kỷ niệm, đều có câu chuyện của riêng nó cả đấy, có những thứ bây giờ nhiều người muốn cũng tìm không ra”, anh Nông Thanh chia sẻ.

Mặc dù xa quê từ nhỏ, nhưng tuổi thơ với những ngày rong ruổi, phụ giúp gia đình, hòa mình cùng thiên nhiên, với văn hóa Tày đã khiến anh không thể nào quên được. Từ đó, mỗi khi có dịp về quê, anh đều dành thời gian tìm kiếm, sưu tầm những hiện vật văn hóa của dân tộc mình và mang về cất giữ. Chẳng hạn các loại nhạc cụ, các loại quần áo truyền thống, các vật dụng sinh hoạt trong gia đình nhưng ngày nay ít người sử dụng. Đặc biệt là, các công cụ, dụng cụ lao động của cha ông xưa kia như các vật dụng trong văn hóa tâm linh, thờ cúng …

Bên cạnh việc sưu tầm trang phục, vật dụng sinh hoạt thường ngày của người dân tộc Tày, anh Nông Cao Thanh còn khéo léo đưa văn hóa của dân tộc Tày vào những bức tranh và tác phẩm mỹ thuật của mình. Anh đã hoàn thiện nhiều tranh vẽ người phụ nữ Tày trong trang phục váy chàm, cổ đeo vòng bạc, với hậu cảnh khi thì là tấm màn cưới, khi là cọn (guồng) nước, hoặc chiếc đàn tính.

Là người có công và có sức ảnh hưởng lớn đến việc giới thiệu, quảng bá văn hóa dân tộc Tày, cũng như luôn đi đầu trong việc kết nối cộng đồng người Tày tại Bà Rịa - Vũng Tàu và các địa phương lân cận, tuy nhiên anh Nông Thanh chẳng bao giờ nhận các công lao về mình.  

“Khi bạn đảm nhận một trọng trách lớn thì đôi vai bạn sẽ bị đè nặng bởi rất nhiều thứ, đặc biệt là kỳ vọng của mọi người, điều đó rất dễ làm bạn dậm chân tại chỗ. Mà tôi là một nghệ sĩ, nên rất sợ dậm chân tại chỗ”, đó là câu nói kết thúc buổi gặp gỡ của họa sĩ Nông Cao Thanh với chúng tôi.

 Hi vọng sẽ gặp lại anh trong tương lai không xa với bộ sưu tập văn hóa Tày được giới thiệu rộng rãi ra công chúng.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.