Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hòa nhịp trong hành trình xây dựng nông thôn mới

Hoàng Quý - 13:35, 29/01/2020

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn được ví như những cánh én lạc lõng trên hành trình bay tới mùa Xuân. Nhưng với nỗ lực vượt lên chính mình, không để bị bỏ lại phía sau, những địa phương ấy đã “bay nhanh hơn” để về đích nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân thay đổi tư duy, chủ động vươn lên phát triển kinh tế.
Xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân thay đổi tư duy, chủ động vươn lên phát triển kinh tế

Ai cũng biết Cao Bằng là tỉnh thuộc diện nghèo nhất cả nước. Cả tỉnh có 13 đơn vị hành chính thì có đến 5 huyện nằm trong danh sách 56 huyện nghèo nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chưa thu hút được nhiều dự án có năng lực sản xuất lớn nên thu ngân sách hằng năm của Cao Bằng rất thấp.

Khó khăn không đếm hết, nhưng Cao Bằng không để mình bị bỏ lại phía sau quá xa trên hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Chỉ nhìn vào con số 15 nghìn tỷ đồng mà tỉnh đã huy động được nêu trong báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020) là một minh chứng cho nỗ lực đó của tỉnh.

Có đến những địa bàn khó khăn nhất của tỉnh mới thấy hết được điều này. Như Đình Minh, một xã chỉ cách trung tâm huyện Trùng Khánh khoảng 3km; sau nhiều năm gắn bó với danh sách “xã đặc biệt khó khăn”, bước sang giai đoạn 2016-2020, Đình Minh trở thành xã khu vực II. Đến giữa năm 2018, Đình Minh vẫn chỉ mới đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM; trong những tiêu chí chưa đạt, cùng với tiêu chí cơ sở hạ tầng thì tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo cao vẫn còn là một thách thức.

Nhưng đến tháng 4/2019, xã Đình Minh đã được UBND tỉnh Cao Bằng công nhận là xã đạt chuẩn NTM của huyện Trùng Khánh. Trong rất nhiều chỉ số thì việc xã đạt thu nhập bình quân 30,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 10,78%... đã nói lên rằng, Đình Minh đã nỗ lực để vượt lên chính mình “bay” nhanh hơn để cùng hòa chung nhịp vỗ cánh của cả đàn chim trên hành trình xây dựng NTM.

Ông Hoàng Văn Khê, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Minh, chia sẻ rằng, đạt chuẩn NTM là một bước tiến lớn đánh dấu sự nỗ lực vươn lên của người dân. Đây là năm đầu tiên người dân xã Đình Minh đón một năm mới trong niềm vui “về đích” NTM.

Bởi thế, không khí vui tươi chuẩn bị đón Tết Canh Tý hiện diện khắp các bản xa, xóm gần của xã Đình Minh. Diện mạo NTM hiện diện trên từng tuyến đường liên thôn, liên bản; trong từng nóc nhà của đồng bào các dân tộc ở Đình Minh.

Chúng tôi về thôn Khưa Nâu-Phia Sách, hiện là thôn đặc biệt khó khăn duy nhất của xã Đình Minh. Ông Lô Văn Anh, Trưởng thôn Khưa Nâu - Phia Sách, dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường liên xã qua thôn. Ông bảo, trước đây, con đường này xuống cấp, nhiều ổ gà vận chuyển hàng hóa, đi lại khó khăn. Được Nhà nước đầu tư, người dân trong thôn đã hiến đất và đóng góp ngày công lao động để làm mới tuyến đường.

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn trên cả nước ngày càng khởi sắc.
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn trên cả nước ngày càng khởi sắc.

“Tết này, các gia đình trong thôn vui hơn, bởi đường sá đi lại thuận lợi, gia đình nào cũng sửa sang nhà cửa, trồng thêm hoa trước nhà để tô điểm cho quê hương thêm sắc Xuân, chuẩn bị đón Tết”, ông Anh phấn khởi nói.

Cũng như xã Đình Minh của tỉnh Cao Bằng, nhiều địa phương khó khăn ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã và đang mải miết “vỗ nhanh đôi cánh” để không bị tụt lại phía sau trên hành trình xây dựng NTM. Như xã Yên Phong (Bắc Mê, Hà Giang) sau hơn 7 năm thực hiện xây dựng NTM, xã đã được UBND tỉnh Hà Giang công nhận đạt chuẩn NTM vào đầu năm 2019. Được biết, Yên Phong vốn là một xã vùng III, có xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, khi bắt đầu xây dựng NTM, xã chỉ có 5/19 tiêu chí.

Ông Triệu Xuân Đào, Chủ tịch UBND xã Yên Phong, cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu xây dựng NTM, nhưng với tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm của chính quyền và Nhân dân trong xã đã nỗ lực trong thực hiện xây dựng NTM. Đến nay những tuyến đường liên thôn được bê tông hóa, hệ thống kênh mương thủy lợi được kiên cố, kết cấu hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục được cải thiện, đời sống Nhân dân từng bước được nâng lên…

Là địa bàn “trũng” nhất, xuất phát điểm thấp nhất nên không quá ngạc nhiên, sau 10 năm xây dựng NTM, 2.280 xã thuộc 14 tỉnh miền núi phía Bắc mới chỉ có 603 xã đạt chuẩn, đạt 26,45% tổng số xã toàn khu vực. Dự kiến, trước thềm năm mới 2020, các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM lên thành 28,0% tổng số xã, hoàn thành sớm hơn 1 năm so mục tiêu được giao tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Và như vậy, chào năm mới 2020, người dân các tỉnh miền núi phía Bắc thêm phấn khởi khi sẽ có thêm nhiều cánh én hòa chung nhịp để gọi Xuân về.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.