Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hoà Bình: Trong bối cảnh đại dịch, nhiều chỉ số phát triển kinh tế-xã hội tăng

Việt Hà CĐ - 16:44, 24/09/2021

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã và đang tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, linh hoạt sáng tạo thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà, Hòa Bình
Khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà, Hòa Bình

Nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép"

Từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 19/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và quốc phòng-an ninh, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với từng ngành, lĩnh vực và 229 nhiệm vụ trọng tâm chi tiết giao cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh covid 19 xuất hiện từ năm 2020, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước, của địa phương..., để ứng phó với tình hình dịch bệnh, tạo cơ sở vững chắc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngày 23/3/2021, UBND tỉnh Hoà Bình đã ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND phát động phong trào Thi đua thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Đặc biệt, từ khi dịch bùng phát trở lại lần thứ tư, là vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc, tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều phương án chống dịch nghiêm ngặt để bảo vệ địa phương và toàn vùng, khu vực. Theo báo cáo, hoạt động phòng, chống dịch của Hòa Bình, trong 9 tháng đầu năm, Hòa Bình luôn giữ an toàn tỉnh cửa ngõ Tây Bắc là "vùng xanh" trong đại dịch. Tính đến ngày 5/9, toàn tỉnh có 78 ca mắc Covid-19. Đến nay, tỉnh vẫn là “vùng xanh”; đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế với những điểm sáng tích cực.

Trong bối cảnh vừa phải lo tổ chức các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhưng tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Hoà Bình tiếp tục có những chuyển biến tích cực; một số lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng khá. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,57%; công nghiệp-xây dựng tăng 32,22%; dịch vụ tăng 5,51%; thuế sản phẩm tăng 8,09%.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 8.631,7 tỷ đồng, tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 64.000 ha, bằng 100% kế hoạch; tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, công tác chăm sóc, khoanh nuôi và phát triển rừng được quan tâm. 

Đến nay, tỉnh Hoà Bình đã trồng được trên 451.000 cây phân tán và cây ăn quả các loại phục vụ Tết trồng cây, và trên 4.845 ha rừng tập trung, đạt 85,7% kế hoạch năm; tiếp tục nuôi trồng thủy sản trên 2.700 ha diện tích mặt nước, trong đó có khoảng 4.700 lồng nuôi cá, sản lượng thu hoạch ước đạt 3.880 tấn.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 25,89%; giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 24,29% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, dù trong thời điểm Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh Hoà Bình vẫn đạt kết quả ấn tượng. Giá trị xuất khẩu ước đạt 578,88 triệu USD, tăng 29,64% so với cùng kỳ năm trước, bằng 47,54% so với kế hoạch năm. Nhập khẩu ước đạt 506,05 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước, bằng 51,64% so với kế hoạch năm.

Trong 6 tháng đầu năm ghi nhận tổng lượt khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình ước đạt 690.000 lượt khách, bằng 20,1% kế hoạch năm; tổng doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng. Tỉnh có 12 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 46 khu dân cư kiểu mẫu, 151 vườn mẫu; có 58/131 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (chiếm 44,3% tổng số xã), bình quân đạt 15,4 tiêu chí/xã.

Nhiều mục tiêu và giải pháp cần được thực hiện 

Sở hữu vị trí “vàng” tiếp giáp với các tỉnh Đồng bằng châu thổ Sông Hồng, cùng mạng lưới giao thông đường bộ, đường thuỷ thuận lợi, Hoà Bình nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, sở hữu những lợi thế đặc thù trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch-dịch vụ, công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh đang là tâm điểm mà các dự án đầu tư tầm cỡ hướng tới.

Thành phố Hoà Bình đang thu hút thêm nhiều dự án đầu tư về công nghiệp, nhà ở, thương mại.
Thành phố Hoà Bình đang thu hút thêm nhiều dự án đầu tư về công nghiệp, nhà ở, thương mại.

Các tiềm năng, lợi thế này, đang được Hoà Bình khai thác hiệu quả, nhờ đó mà nhiều lĩnh vực quan trọng của tỉnh đang có chuyển động tích cực. Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều chuyển biến, đời sống người dân được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, dù có nhiều cơ hội phát triển lớn, nhưng để khai thác, phát huy được vẫn còn rất nhiều cản trở, khó khăn do đặc thù thổ nhưỡng, cũng như điểm xuất phát là từ tỉnh đặc thù vùng DTTS và miền núi nghèo, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tham gia điều hành hệ thống chính trị năng lực còn hạn chế. 

Do đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XVII, đã xác định 2 khâu đột phá nhằm giải quyết vướng mắc, tồn tại, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, chính là cải cách hành chính và nâng cao chức trách công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hoà Bình đã và đang xây dựng đội ngũ đồng thuận, trách nhiệm với tư duy, khát vọng đổi mới, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.

UBND tỉnh Hoà Bình cũng đã chỉ ra 11 khó khăn, hạn chế và nguyên nhân; 18 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.