Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hoà Bình: Phát huy hiệu quả tiềm năng mặt nước

Hồng Phúc - 10:31, 14/02/2020

Dù là tỉnh miền núi nhưng Hoà Bình có trên 14.560 ha mặt nước ao, hồ, công trình thuỷ lợi, thuỷ điện. Đây là tiềm năng sẵn có để tỉnh khai thác nuôi trồng thuỷ sản, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình cho giá trị kinh tế cao. (Ảnh tư liệu)
Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình cho giá trị kinh tế cao. (Ảnh tư liệu)

Hồ thủy điện Hòa Bình với diện tích trên 10.450 ha nằm ở địa bàn TP. Hòa Bình và 4 huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu, chiều dài trên 80 km là một tiềm năng lớn để tỉnh Hòa Bình phát triển nuôi trồng thủy sản. Với điều kiện thuận lợi đáy hồ sâu, thức ăn phong phú, ngoài sinh vật phù du, xung quanh hồ còn có hàng nghìn ha thảm thực vật và rừng phòng hộ với độ che phủ cao, hàng năm cung cấp lượng lớn các sản phẩm hữu cơ, hồ Hoà Bình được coi là “kho báu” về thuỷ sinh vật và thuỷ sản đặc trưng của vùng Tây Bắc. 

Tận dụng lợi thế đó, tỉnh đã phát triển khá đa dạng các hình thức nuôi trồng thuỷ sản, trong đó diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh có xu hướng tăng. Năm 2019, toàn tỉnh đạt sản lượng thu hoạch cá khoảng 9.205 tấn, trong đó, khai thác 1.704 tấn, nuôi trồng 7.501 tấn, chủ yếu là các loại cá đặc sản như: chiên, lăng chấm, lăng vàng, nheo, trắm đen, bỗng, trắm cỏ, rô phi, chép... Các loài khác có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá lăng, diêu hồng, … diện tích và sản lượng nuôi mới chỉ chiếm từ 10-20 %.

Trong nuôi trồng thủy sản, hiện nuôi cá lồng là hướng phát triển thuỷ sản thế mạnh, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội du lịch cho tỉnh. Như gia đình anh Lê Đình Hợi, ở xóm Túp, xã Tiền Phong (huyện Đà Bắc) bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2000 với 3 lồng cá, đến nay đã phát triển gần 20 lồng và còn cung cấp con giống cho bà con trong toàn xã. Trung bình mỗi năm, gia đình anh bán ra thị trường từ 4-6 tấn cá, lợi nhuận sau chi phí đạt gần 200 triệu đồng. 

Hiện nay, nghề nuôi cá lồng đang phát triển mạnh ở các địa phương trong tỉnh Hòa Bình. Cùng với nuôi trồng trên hồ thủy điện Hòa Bình, diện tích mặt nước ao, hồ, công trình thuỷ lợi, thuỷ điện khác trên địa bàn tỉnh sử dụng để nuôi cá lồng cũng được mở rộng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình, hiện các địa phương duy trì và phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản được 2.700 ha, trong đó, nuôi trong ao nhỏ 1.635 ha, nuôi cá ruộng 5 ha, diện tích nuôi hồ 1.060 ha. 

Đáng chú ý, việc khai thác được tiềm năng của diện tích mặt nước trong nuôi trồng thuỷ sản đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động của tỉnh. Tham gia nuôi thuỷ sản hiện nay không chỉ có các hộ dân ven hồ mà đã có nhiều cá nhân, tổ chức cả trong lẫn ngoài tỉnh. Toàn tỉnh Hoà Bình hiện tại có khoảng 40 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại mạnh dạn đầu tư và tiếp tục mở rộng quy mô nuôi cá lồng trên vùng hồ sông Đà.

Về lâu dài, tỉnh chủ trương đẩy mạnh kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đổi mới và phát triển hệ thống sản xuất, kinh doanh để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và hạn chế rủi ro cho người nuôi cá khi xảy ra thiên tai. Đồng thời, Hoà Bình cũng có kế hoạch phát triển các loại cá kinh tế cao theo hướng chuyên canh tập trung, tạo sức bật trong chiến lược sản xuất ngành thuỷ sản.



Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.