Hiệu quả từ các chính sách dân tộc
Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh có người DTTS chiếm tỷ lệ cao, tới 74,43% (gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông), sống ở 145/151 xã, phường, thị trấn. Do vậy, ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện KT-XH và phát huy vai trò của đồng bào DTTS được Hòa Bình xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Hòa Bình lần thứ III năm 2019 với nội dung “Các dân tộc tỉnh Hòa Bình đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025…
Những năm qua, bằng việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, từ các bản làng, thôn xóm ở vùng DTTS và miền núi của tỉnh Hòa Bình đã được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Hằng năm, tỉnh Hòa Bình ưu tiên dành các nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách tập trung xây dựng hạ tầng, cơ sở thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề, mở rộng việc làm cho lao động người DTTS.
Đơn cử như tại hai xã vùng cao có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống là Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), điều kiện kinh tế rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, từng là điểm nóng ma túy và còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. Từ thực tế đó, Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 13/4/1994 của Ban Bí thư về công tác ở vùng dân tộc Mông. Đặc biệt, năm 2010, Tỉnh ủy ban hành Đề án số 03-ĐA/TU về củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN 2 xã Hang Kia, Pà Cò; Quyết định số 2552/QĐ-UBND ngày 4/11/2021 của UBND tỉnh, về phê duyệt Dự án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia và Pà Cò giai đoạn 2021 - 2025; Đề án 09-ĐA/TU, ngày 28/2/2022 về "Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị gắn với phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu”; và thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc khác…
Nhờ triển khai đồng bộ các chương trình, diện mạo hai xã Hang Kia, Pà Cò đã có nhiều khởi sắc. GRDP bình quân đầu người xã Hang Kia ước đạt 28,5 triệu đồng/người; xã Pà Cò ước đạt 19,4 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo xã Hang Kia giảm 6,75%, từ 36,18% năm 2021 xuống còn 29,43% năm 2022 (giảm 44 hộ); tỷ lệ hộ nghèo xã Pà Cò giảm 6,49%, từ 38,52% năm 2021 xuống còn 32,03% năm 2022 (giảm 38 hộ). Tỷ lệ hộ dùng điện lưới quốc gia và người dân được hưởng bảo hiểm y tế hai xã đạt 100%. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp đạt 100%; học sinh tiểu học đạt 100%; học sinh THCS đạt 98%. Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa xã Hang Kia ước đạt 43,04%; xã Pà Cò ước đạt 61,26%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xã Hang Kia giữ ở mức 10%; xã Pà Cò 12%. Mỗi xóm đều có 1 nhân viên y tế thôn bản được đào tạo theo chương trình khung của Bộ Y tế, được cấp chứng chỉ hành nghề, hoạt động có hiệu quả. Tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh hai xã ước đạt 100%…
Có thể thấy, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chính sách dân tộc trong thời gian qua được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (ước đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 12,99%, ước giảm 2,5% so với năm 2021); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng, nhóm hộ, giúp người dân tự vươn lên thoát nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên; diện mạo vùng DTTS và miền núi đã có nhiều đổi mới tích cực.
Đặc biệt, các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện; chất lượng sự nghiệp y tế, giáo dục tiếp tục có sự chuyển biến, đồng bào dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản, người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí; giá trị văn hoá các dân tộc tiếp tục được quan tâm, bảo tồn và phát huy; năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao… Những kết quả trên đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc tại tỉnh Hòa Bình.
Củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước
Nói về việc thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Thảo cho biết, những năm qua, Ban Dân tộc đã chủ động phối hợp cùng các ngành, các cấp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước và đạt nhiều kết quả quan trọng, trên các lĩnh vực đời sống KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Để triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành, hướng dẫn và đôn đốc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh. Hiện nay, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tiếp tục làm nòng cốt, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai Chương trình.
Định hướng công tác dân tộc trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân giảm từ 2,5 - 3%; đối với các xã ĐBKK bình quân giảm từ 4 - 4,5%; phấn đấu có từ 5 xã trở lên thoát khỏi diện ĐBKK; đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước…