Cách người trẻ khởi nghiệp ở huyện khó khăn
Anh Đinh Văn Sánh, dân tộc Mường, là một trong những thanh niên tiên phong về phong trào khởi nghiệp tại xã Hang Kia (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Anh Sánh đã mạnh dạn cải tạo ngôi nhà sàn đang ở để đón khách du lịch, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, anh đã tạo được cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên DTTS trong vùng.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp, anh Sánh kể, năm 2014, anh học xong lớp 12 và đi làm thuê ở Tây Nguyên. Khi nghe tin Tổ chức AOP Việt Nam có chương trình hỗ trợ phát triển du lịch tại địa phương, anh đã làm đơn đề nghị với Tổ chức AOP Việt Nam và dự án, đồng thời xin ý kiến gia đình cải tạo ngôi nhà sàn đang ở để phục vụ du lịch.
Trong quá trình thực hiện, anh luôn được các cấp, các ngành của địa phương đồng hành, quan tâm, hỗ trợ về thủ tục pháp lý đảm bảo việc đón tiếp khách; tham dự các lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách du lịch; đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch ở các địa phương thành công về mô hình du lịch cộng đồng…
Sau thời gian cố gắng, nỗ lực, đến năm 2016, Homestay Sánh Thuấn đã đón những vị khách đầu tiên. Sau đó, hằng năm, gia đình anh đón hàng nghìn lượt khách đến lưu trú, cho doanh thu gần 300 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận hơn 150 triệu đồng.
"Từ khi phát triển du lịch, cuộc sống gia đình khá hơn, đặc biệt là tiêu thụ được lượng lớn nông sản của gia đình và người dân địa phương”, anh Sánh bộc bạch.
Giàng A La, chàng trai người Mông, hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Du lịch và Nông nghiệp Hang Kia, sinh ra và lớn lên ở xã Hang Kia (huyện Mai Châu) ghi dấu với vẻ ngoài thân thiện, dễ mến và tràn đầy năng lượng.
Tháng 6/2020, Hợp tác Xã (HTX) Dịch vụ Du lịch và Nông nghiệp Hang Kia được thành lập, với 2 ngành nghề chính là kinh doanh dịch vụ và sản xuất nông nghiệp. Khi ấy, Giàng A La ở độ tuổi 24, là thành viên trẻ tuổi nhất được tín nhiệm giữ chức Giám đốc HTX. Với sự dẫn dắt của anh, các thành viên HTX đã tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với các hoạt động trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc như vẽ sáp ong, giã bánh dày…
Các mặt hàng nông sản của người dân làm ra, được HTX hỗ trợ liên kết tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn và các địa phương, vùng lân cận với giá thành ổn định. Ngoài ra, HTX tạo việc làm nhiều lao động địa phương với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2021, Giàng A La tham gia và đạt giải Vàng cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh”. Tham dự cuộc thi, anh còn mang đến những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, khát vọng, hoài bão, mong muốn đổi thay vùng quê nghèo nơi anh sinh sống.
“Quá trình khởi nghiệp, HTX nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, định hướng từ cấp ủy, chính quyền đã đồng hành cùng HTX nâng tầm giá trị các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, cũng như hỗ trợ góp phần quảng bá, giới thiệu về vùng đất, quê hương với bạn bè trong nước, quốc tế”, anh Giàng A La chia sẻ.
Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp vùng DTTS
Anh Giàng A La và anh Đinh Văn Sánh là hai trong số hàng trăm thanh niên DTTS tỉnh Hòa Bình đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Theo thống kê sơ bộ, tỉnh Hòa Bình hiện có trên 680 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó phần lớn là thanh niên DTTS; gần 400 mô hình thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp; tạo việc làm cho gần 1.000 đoàn viên, thanh niên.
Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS, nhất là thanh niên. Các hoạt động nhằm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động khởi nghiệp được các cấp, các ngành, địa phương triển khai trên nhiều lĩnh vực, điển hình, như các chương trình xúc tiến thương mại do Liên minh HTX tỉnh, các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Công Thương tổ chức trên lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp, du lịch; tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, đồng thời chú trọng đến việc tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên… Đây là tiền đề quan trọng để phát triển các mô hình khởi nghiệp thành các doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiện nay, các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền tỉnh, nhất là Ban Dân tộc tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, chuỗi sản xuất, các dự án, mô hình; hỗ trợ đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu. Đây là nguồn lực rất có ý nghĩa đối với phong trào thúc đẩy khởi sự kinh doanh trong vùng đồng bào DTTS.