Sôi nổi những phong trào khởi nghiệp
Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (có tên thương mại là 3T Farm), được thành lập ngày 10/8/2018, tiền thân từ nhóm sản xuất cây có múi Thanh Thủy (thành lập từ tháng 1 năm 2016). Khi mới thành lập, Hợp tác xã (HTX) có 7 thành viên tham gia và có 12,5 hecta đất canh tác. Nhưng chỉ sau chưa đầy 1 năm hoạt động, đến nay HTX đã có 25 thành viên và diện tích đất canh tác tăng lên 29,5 hecta. Hiện nay, các thành viên đang canh tác các giống cam bao gồm: cam CS1 (cam lòng vàng), cam lùn cao, cam xã Đoài, cam canh, cam V2...
Trước đây, sản phẩm làm ra, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái đến thu mua trực tiếp, nhưng hiện nay, HTX 3T farm đã cung cấp cam vào các cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam... Doanh thu năm 2020 của HTX đạt trên 800 triệu đồng. Đáng phấn khởi hơn, HTX đã tạo được uy tín với các thành viên và cho thấy, đây là hướng phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương.
Giống với 3T Farm, hiện nay phong trào khởi nghiệp trong toàn tỉnh Hòa Bình, đang diễn ra rất sôi nổi đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của người trẻ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo thông tin từ Tỉnh đoàn và Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hòa Bình, phong trào “Tuổi trẻ Hòa Bình tham gia xây dựng nông thôn mới" đã được triển khai hiệu quả.
Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong việc tham gia phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là mô hình lập thân, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương, thông qua việc xây dựng và nhân rộng các mô hình: câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi, tổ hợp tác, HTX thanh niên …
Tiêu biểu như, Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi tỉnh Hòa Bình, tập hợp các gương thanh niên điển hình, đã được nhận giải thưởng Lương Định Của trong lĩnh vực nông- lâm nghiệp. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện nay đang có trên 680 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó gần 400 mô hình thuộc lĩnh vực nông-lâm nghiệp, tạo việc làm ổn định cho trên 1.000 đoàn viên thanh niên.
Những năm qua, Tỉnh đoàn luôn đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên Hoà Bình. Đồng thời, chú trọng đến việc tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên, thông qua cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh”. Từ đó, nhiều thanh niên đã trở thành doanh nhân thành đạt, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh nhà.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập tại tỉnh Hòa Bình, hàng năm có chiều hướng gia tăng. Riêng trong năm 2020, có 365 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với tổng vốn đăng ký 12.672 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 3.770 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 47.003 tỷ đồng. Trong đó, có 3.527 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm trên 97% tổng số doanh nhiệp với số vốn đăng ký là 31.486 tỷ đồng.
Chú trọng nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực để thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cũng như triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Đến nay, môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh đã được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh.
Cụ thể, ngày 29/7/2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ thủ tục hành chính; hỗ trợ giá thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thông tin, tư vấn; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mở rộng thị trường; hỗ trợ thực hiện đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng thường xuyên nắm bắt khó khăn của các doanh nghiệp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ, xử lý những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Có một điểm đặc biệt tại tỉnh Hòa Bình là, phong trào khởi nghiệp đã có được sự đồng hành, hỗ trợ rất tích cực của các doanh nghiệp đã “khởi nghiệp thành công”, trong đó có cả những doanh nghiệp thuộc Top “đầu đàn” của tỉnh. Việc này, đã giúp các ý tưởng khởi nghiệp có cơ hội cao hơn để thành công khi được “đứng trên vài người khổng lồ”, ý tưởng, mô hình khởi nghiệp không chỉ được tư vấn mà còn được tạo cơ hội hợp tác với chính các doanh nghiệp lớn.
Những hỗ trợ này đã giúp doanh nghiệp, những người trẻ khởi nghiệp có niềm tin vào các chính sách của tỉnh; thúc đẩy phát triển sản xuất-kinh doanh, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nhân.
Trên thực tế có thể thấy, tác doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang khai thác các tiềm năng thế mạnh của tỉnh để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm và làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội của tỉnh Hòa Bình.
Ngoài ra, trong vài năm trở lại đây, hàng loạt các dự án của các Công ty, tập đoàn lớn đầu tư vào Hòa Bình, đã giải quyết một lượng lớn lao động trên địa bàn tỉnh. Hoà Bình được các chuyên gia kinh tế nhận định trong tương lai sẽ trở thành miền đất hứa thu hút đầu tư, khởi nghiệp sáng tạo.