Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hòa Bình: Khẳng định vị thế trung tâm du lịch lớn vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Lê Anh - 16:46, 07/12/2024

Với nhiều lợi thế, tiềm năng về khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bề dày truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của cộng đồng các dân tộc, những năm qua, Hòa Bình đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với xứ sở Mường Bi này. Tỉnh Hòa Bình đang khẳng định vị thế là một trung tâm du lịch lớn của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sông, hồ, thác nước, đồi núi trùng điệp
Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sông, hồ, thác nước, đồi núi trùng điệp

Nhiều tiềm năng, bản sắc độc đáo 

Hòa Bình được thiên nhiên ban tặng cảnh quan hùng vĩ với núi non trùng điệp, hệ thống sông hồ và các thác nước tuyệt đẹp. Những địa danh nổi tiếng như thác Bờ, động Hoa Tiên, Hang Rết, hay khu rừng nguyên sinh, đều để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách khi đến với vùng đất này. Đặc biệt, vùng hồ Hòa Bình với 47 hòn đảo lớn nhỏ, cùng các loài động thực vật quý hiếm, đang là điểm nhấn quan trọng, mang đến trải nghiệm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng lý tưởng.

Hện nay, Khu du lịch hồ Hòa Bình, với diện tích lên tới 52.000ha, trong đó có 8.000 ha mặt nước, cũng đã được quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia, với các loại hình du lịch sinh thái, thể thao và giải trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.

Hòa Bình không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên, mà còn bởi nền văn hóa đậm đà bản sắc. Từ thời tiền sử, vùng đất này đã nổi tiếng với bốn mường Bi, Vang, Thàng, Động – nơi hội tụ những nét văn hóa riêng biệt của các dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông… Những phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, và các loại hình nghệ thuật dân gian như Mo sử thi "Đẻ đất - Đẻ nước" đều là kho tàng giá trị quý giá.

Các lễ hội truyền thống như Lễ hội Chiêng Mường, Lễ hội Khai Hạ, Lễ hội Đền Bờ, hay Lễ hội Xên Mường, là cơ hội để du khách khám phá những nét văn hóa đặc sắc, gắn bó với đời sống sản xuất nông nghiệp lâu đời của người dân địa phương. Đồng thời, Hòa Bình còn là nơi lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng cổ và hàng nghìn chiếc chiêng quý giá, thể hiện vai trò là cái nôi văn hóa của người Việt.

Mở hướng đi mới cho du lịch "cất cánh"

Những năm gần đây, Hòa Bình đã triển khai nhiều đề án phát triển du lịch mang tính chiến lược, như Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới, hay Đề án cơ cấu lại ngành du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chính quyền tỉnh cũng chú trọng cải thiện hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và hỗ trợ các cộng đồng dân cư phát triển du lịch bền vững.

Du lịch Hòa Bình đang tập trung vào bốn thế mạnh chính: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, văn hóa tâm linh, và thể thao giải trí. Các điểm đến như Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong đã được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là phát triển các loại hình du lịch cộng đồng tại làng bản của đồng bào dân tộc. Hòa Bình còn khai thác các môn thể thao truyền thống và tổ chức sự kiện thể thao quốc tế, như đua xe đạp, golf, hay dù lượn để tăng sức hấp dẫn

Những năm gần đây, Hòa Bình đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để phát triển du lịch.
Những năm gần đây, Hòa Bình đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để phát triển du lịch.

Năm 2023, Hòa Bình đón 3,8 triệu lượt khách, tăng 21,5% so với cùng kỳ, với doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, ước đón 2,6 triệu lượt khách, đặt mục tiêu cả năm đạt 4,2 triệu lượt. Đến năm 2025, Hòa Bình dự kiến thu hút 4,9 triệu khách và mang lại doanh thu 5.400 tỷ đồng.

Để đạt được các mục tiêu này, Hòa Bình sẽ tiếp tục tăng cường quảng bá hình ảnh, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp du lịch, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Những dòng sản phẩm như du lịch nghỉ dưỡng – chữa bệnh, du lịch sinh thái và văn hóa, hay các hoạt động thể thao giải trí hứa hẹn sẽ đưa Hòa Bình tiến xa hơn trên bản đồ du lịch quốc gia.

Đầu tư nâng sức cạnh tranh

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, chia sẻ, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và lợi ích lâu dài của việc phát triển dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Tỉnh sẽ ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến hệ thống giao thông, bến cảng, bến thuyền kết nối các điểm tham quan, cùng với việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng cao.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hệ thống lưới điện đảm bảo nhu cầu phát triển du lịch, giải quyết nhanh chóng các khó khăn liên quan đến đấu nối và cung cấp điện, nhất là tại các điểm du lịch đã có nhà đầu tư và các dự án trọng điểm.

 Việc thực hiện quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các khu du lịch sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đi đôi với hoàn thiện hạ tầng dịch vụ theo đúng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Tỉnh Hoà Bình cũng chủ động xây dựng các chương trình, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với lợi thế cạnh tranh, đồng thời đổi mới hoạt động xúc tiến và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch.

 Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông sẽ được khuyến khích phát triển hạ tầng, đảm bảo thông tin liên lạc tại các điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong hành trình tham quan và nghỉ dưỡng.