Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Hỗ trợ sản xuất theo Chương trình 135 ở Hòa Bình: Góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển

PV - 09:55, 25/02/2019

Năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, các huyện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã triển khai các nội dung hỗ trợ cho hộ và nhóm hộ phù hợp, thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế của người dân và thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS.

Đến xã Thượng Bì, huyện Kim Bôi vào những ngày cuối năm Mậu Tuất 2018, chúng tôi cảm nhận sự phấn khởi của đồng bào các dân tộc nơi đây vì có một cái Tết no ấm nhờ vào các mô hình sản xuất. Như chia sẻ của ông Bùi Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Thượng Bì: Các mô hình trồng cây ăn quả, trồng bí xanh, trồng mướp đắng lấy hạt, trồng ớt đã và đang đem lại hiệu quả và thu nhập ổn định cho bà con.

Người dân xã Thượng Bì, huyện Kim Bôi đã có thu nhập ổn định từ cây ớt. Người dân xã Thượng Bì, huyện Kim Bôi đã có thu nhập ổn định từ cây ớt.

Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, xã Thượng Bì đưa vào trồng 4ha ớt với 36 hộ tham gia tại xóm Nè. Chị Bùi Thị An, cư dân xóm Nè cho biết: Nhà chị trồng hai sào ớt cay lai F1, được hỗ trợ vốn, giống và phân bón nên hai sào ớt sinh trưởng và phát triển tốt. Đến Tết Kỷ Hợi, hai sào ớt đã cho thu hoạch 2 lứa quả, năng suất đạt khoảng 1 tấn/sào. Với giá bán bình quân 7.000-10.000/kg, hai sào ớt đem lại cho gia đình chị An ngót 15 triệu đồng.

Theo ông Bùi Văn Tú: Ban đầu, khi triển khai trồng ớt nhiều hộ dân còn e ngại, nhưng khi được tuyên truyền bắt tay vào thực hiện các hộ mới thấy được hiệu quả và rất phấn khởi. So với cấy lúa, cây ngô thì hiệu quả kinh tế của cây ớt cao gấp ba lần. Việc chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang cây trồng mới đang là một hướng đi đúng. Theo đánh giá, mỗi ha ớt người dân thu được 250 triệu đồng (1ha thu hoạch được 25 tấn quả). Từ thành công của mô hình, trong năm 2019 xã sẽ tiếp tục nhân rộng ra các xóm khác với diện tích khoảng 8ha, nhằm tăng thu nhập cho các hộ.

Cùng với cây ớt, trong năm 2018, Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất đã được UBND huyện Kim Bôi đầu tư 500 triệu đồng để trồng cây nhãn muộn tại xã Sơn Thúy và Thượng Bì; 500 triệu đồng để trồng mô hình thanh long ruột đỏ tại ba xã là Đông Bắc, Vĩnh Tiến, Tú Sơn. Theo đánh giá, các mô hình cây trồng mới đều phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Tại xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc, năm 2017, 66 con dê và thức ăn chăn nuôi đã được cấp cho 66 hộ dân trong xã. Anh Xa Văn Vinh, ngụ xóm Cang, một trong 66 hộ được cấp dê nuôi bày tỏ: “Dê là con vật dễ nuôi, không mất nhiều công chăm sóc, lại phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương. Nếu biết cách chăm sóc, chỉ sau gần một năm, dê mẹ có thể đẻ được dê con. Thịt dê hiện đang được ưa chuộng, có giá bán ổn định từ 160-170.000 đồng/kg. Đây là hướng phát triển chăn nuôi hợp lý, được nhiều hộ gia đình chọn lựa để tìm lối thoát nghèo”...

“Nhờ hỗ trợ của Nhà nước, người dân không chỉ thoát cảnh sống nay đây mai đó mà còn có điều kiện để phát triển kinh tế”, bà Xa Thị Hoa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đà Bắc chia sẻ.

Từ năm 2016-2018, Hòa Bình được giao và đã phân bổ gần 90 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ xây dựng 226 mô hình, máy thiết bị sản xuất nông, lâm nghiệp cho gần 30 ngàn hộ dân. “Được hỗ trợ sản xuất, đồng bào các DTTS tỉnh Hòa Bình đã từng bước nâng cao hiệu quả xóa đói giảm nghèo, kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội. Nhờ đó, đời sống của đại bộ phận đồng bào DTTS vùng ĐBKK của tỉnh Hòa Bình đã có những bước chuyển đáng mừng”, bà Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình khẳng định.

MINH THU