Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Hỗ trợ sản xuất giúp đồng bào mở lối thoát nghèo

PV - 10:25, 23/07/2018

Trong những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã triển khai các hạng mục hỗ trợ sản xuất cho đồng bào trên địa bàn 14 xã. Nhờ đó, đồng bào các dân tộc huyện Đà Bắc có thêm cơ hội phát triển sản xuất, mở lối thoát nghèo.

Năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135, xóm Than, xã Tân Pheo được cấp trên xây dựng Mô hình trồng cây bưởi đỏ. 20 hộ dân trong xã được cấp 2.855 cây bưởi giống và phân bón (với tổng vốn 100 triệu đồng). Dự kiến sau 3 năm, cây bưởi sẽ có thể cho thu hoạch. Anh Lường Văn Quý, một trong những hộ dân được hưởng lợi từ mô hình cho biết: Tuy chưa cho thu nhập ngay, nhưng từ nay, người dân chúng tôi có điều kiện để tiếp cận với giống cây mới, phương pháp canh tác mới có thể đem lại thu nhập ổn định và lâu dài.

huyện Đà Bắc. Dự án hỗ trợ sản xuất đã và đang đem lại diện mạo mới cho Đà Bắc.

Là một trong những xã thuộc diện ĐBKK của huyện Đà Bắc, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Tân Pheo chiếm 63% nhưng đến cuối năm 2017 đã giảm còn 43%. Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Tân Pheo cho biết: Số hộ nghèo trên địa bàn giảm mạnh, một phần do xã chủ trương phát triển trồng rừng; mặt khác là từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135. Với các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Chương trình 135, nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã được cấp máy móc, nông cụ, cây, con giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để mở hướng thoát nghèo.

Tương tự, tại xã Đoàn Kết, năm 2017, 66 con dê và thức ăn chăn nuôi đã được cấp cho 66 hộ dân trong xã. Anh Xa Văn Vinh, ngụ xóm Cang, một trong 66 hộ được cấp dê nuôi bày tỏ: “Dê là con vật dễ nuôi, không mất nhiều công chăm sóc, lại phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương. Nếu biết cách chăm sóc và phối giống, chỉ sau gần năm, dê mẹ có thể đẻ được dê con. Thịt dê hiện đang được ưa chuộng, có giá bán ổn định từ 160-170.000 đồng/kg. Đây là hướng phát triển chăn nuôi hợp lý, được nhiều hộ gia đình chọn lựa để tìm lối thoát nghèo”.

Bà Xa Thị Hoa, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Đà Bắc khẳng định: “Đà Bắc là một trong những địa phương đã thực hiện tốt các nội dung của Chương trình 135, đặc biệt là hợp phần hỗ trợ sản xuất”. Với trên 3,9 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135 năm 2017, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện 6 hạng mục: Mở 3 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho 150 người dân trên địa bàn 3 xã: Đồng Nghê, Mường Tuổng, Tiền Phong. Hỗ trợ 92 con bò giống Lai Sind và thức ăn hỗn hợp cho 370 hộ dân ở 14 xã. Thực hiện việc hỗ trợ 66 hộ dân xã Đoàn Kết 66 con dê giống địa phương. Hỗ trợ mua giống cây bưởi Diễn cho 217 hộ dân thuộc 2 xã Mường Tuổng và Tân Pheo. Hỗ trợ 8.972 giống cây bưởi đỏ cho 165 hộ dân thuộc 2 xã Đồng Nghê, Tiền Phong và hỗ trợ 115 hộ dân xã Tiền Phong 3.334 cây giống táo lê.

Theo ông Xa Đức Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135 được triển khai trong thời gian qua đã được đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK đồng tình ủng hộ; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đà Bắc từ gần 47% (năm 2016) xuống còn 42% (cuối năm 2017). Dự án đã mang diện mạo mới cho vùng đồng bào các dân tộc, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, mở hướng thoát nghèo cho đồng bào DTTS ở Đà Bắc.

MINH THU