Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hình ảnh cô gái mặc “váy hoa” trong bức Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ: Phản hồi từ những người trong cuộc (Bài 3)

Văn Hoa - 18:08, 26/12/2021

Vừa qua, Báo Dân tộc và Phát triển đã đăng tải loạt bài "Hình ảnh cô gái mặc “váy hoa” trong bức Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ" đã thu hút được sự quan tâm của bạn đọc, đặc biệt nhất là cộng đồng người Thái. Trong đó, các ý kiến đều cho rằng, thể hiện chiếc “váy hoa” ấy trong bức Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ là không thực tế, không đúng bối cảnh lịch sử. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Dân tộc và Phát triển xin chuyển tới độc giả một số ý kiến phản hồi từ những người trong cuộc, cơ quan quản lý, cơ quan chuyên ngành...

Hình ảnh chiếc “váy hoa” gây tranh cãi
Hình ảnh chiếc “váy hoa” gây tranh cãi

Mang hình ảnh đẹp nhất đến với tác phẩm nghệ thuật

Đó là khẳng định của Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc- người chủ trì thực hiện bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo ông Mạc, trước khi thực hiện tác phẩm trên, ông đã đến Bảo tàng tỉnh Điện Biên để lấy hiện vật gốc (chiếc váy hoa) để chụp ảnh và vẽ lại.

Ông Mạc khẳng định, đây là chiếc váy của người Thái cổ, váy ngày xưa với nhiều họa tiết hoa văn, nhiều màu sắc rất đẹp. Bức tranh này đã được UBND tỉnh Điện Biên, Hội đồng Nghệ thuật quốc gia bao gồm các nhà mỹ thuật, nhà điêu khắc, các nhà khoa học lý luận phê bình duyệt 2 lần trên bản phác thảo và 3 lần trên bản vẽ 1:1.

“Trên một tác phẩm nghệ thuật người ta phải đưa tinh hoa của dân tộc đó lên, việc Bảo tàng tỉnh đưa cho tôi cái gì đẹp nhất (váy hoa) thì tôi phải vẽ cái đó. Chiếc váy rất đẹp, đây là tinh hoa của dân tộc mà mọi người muốn bỏ đi thì tôi cũng thấy lạ”, ông Mạc nhấn mạnh.

Ông Mạc cho rằng, ông cũng hỏi ý kiến của nhiều người Thái cao niên, trong đó có nhiều người là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Điện Biên. Tất cả đều khẳng định, đây là váy hoa của người Thái, và đã đồng thuận việc thể hiện chiếc váy hoa đẹp nhất của người Thái ấy trên tác phẩm Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, chiếc váy hoa trong bức Panorama đã được Hội đồng Nghệ thuật quốc gia tranh luận rất nhiều, nhưng vẫn tôn trọng tư tưởng của nhà thiết kế, liên quan đến bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Các nhà bảo tồn di sản cũng đã đi lấy ý kiến của các cụ cao niên người Thái ở Sơn La và Điện Biên, tất cả đều nói không vấn đề gì. Hội đồng Nghệ thuật quốc gia đánh giá trên cơ sở nghiên cứu khoa học và dựa trên ý kiến của các bậc cao niên người Thái.

Qua sự giải thích của tác giả bức tranh - Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc và phản hồi từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên ông Vừ A Bằng, có thể khẳng định rằng, chiếc “váy hoa” trong bức Panorama là váy cổ của người Thái, được lấy mẫu từ Bảo tàng tỉnh Điện Biên. Tổng thể bức vẽ đã được UBND tỉnh Điện Biên, Hội đồng Nghệ thuật quốc gia, Hội đồng nghiệm thu đánh giá trên cơ sở nghiên cứu khoa học và đã được lấy ý kiến từ các cụ cao niên có uy tín người dân tộc Thái.

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ nơi trưng bày bức Panorama tầm cỡ thế giới
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ nơi trưng bày bức Panorama tầm cỡ thế giới

Cần giải thích để người dân hiểu

Với chiếc “váy hoa” đặc biệt, phần lớn giới trẻ người Thái không biết đó là trang phục truyền thống của dân tộc mình. Hơn nữa, nhiều người Thái cao niên ở một số địa phương cũng nhìn nhận đây không phải váy của người Thái...

Và dù nhiều Người có uy tín, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa là người Thái khẳng định, đây là chiếc váy hoa cổ của dân tộc Thái, nhưng phần lớn đều cho rằng, thể hiện chiếc váy hoa vào trong một tác phẩm có ý nghĩa lịch sử, giáo dục trong bức Panorama tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ là không đúng với hoàn cảnh lịch sử và phi thực tế, không mang tính chất đại diện cho cộng đồng dân tộc Thái.

Với những phản hồi từ phía họa sĩ và lãnh đạo tỉnh Điện Biên, thì chắc chắn rằng, hình ảnh cô gái Thái với chiếc váy hoa đặc biệt ấy vẫn được giữ nguyên. Chúng tôi đã liên hệ với Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên phủ về phương án khi khách tham quan, đặc biệt là người Thái tại Tây Bắc và Điện Biên đến với Bảo tàng và thắc mắc về vấn đề trên. 

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Vũ Thị Tuyết Nga cho biết, bà không phải là thành viên chính thức trong Hội đồng nghiệm thu và Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ chưa được quyền quản lý bức tranh, nên không thể phát ngôn.

Xung quanh các ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên  thông tin, qua phản ánh từ báo Dân tộc và Phát triển, ông đã trao đổi với Ban Quản lý dự án, Bảo tàng tỉnh Điện Biên và tác giả bức vẽ về nội dung mà Báo và bạn đọc quan tâm.

Ông Phú cho biết, qua trao đổi với tác giả, là Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, ông Mạc nói rằng: “Thực ra tôi không muốn làm cái gì đó cho nó đặc biệt. Nhưng bản chất của chiếc váy này đúng là váy của người Thái và váy này hiện nay vẫn đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên. Bối cảnh thời bấy giờ là cả nước ra trận, mặc dù khó khăn, gian khổ, hy sinh, nhưng ngày ấy cũng như ngày hội và chiếc váy hoa cũng là hình ảnh đẹp nhất, tinh túy nhất của dân tộc Thái”.

Cộng đồng dân tộc Thái cần một tiếng nói chung thống nhất về hình ảnh đại diện của dân tộc. (Ảnh được ghi nhận tại trụ sở Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhân sự kiện UNESCO ghi danh Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại)
Cộng đồng dân tộc Thái cần một tiếng nói chung thống nhất về hình ảnh đại diện của dân tộc. (Ảnh được ghi nhận tại trụ sở Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhân sự kiện UNESCO ghi danh Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại)

“Quan điểm của Sở là không phân định đúng - sai, vì cũng không có căn cứ nói tác phẩm sai. Toàn bộ quá trình thực hiện đều có căn cứ, cơ sở khoa học và đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu. Trách nhiệm của chúng ta, nhất là hướng dẫn viên Bảo tàng phải hiểu biết thật đầy đủ, có trách nhiệm khi người dân thắc mắc, thì phải giải thích thật cặn kẽ cho người dân hiểu và như vậy nó sẽ có thêm cả trí tò mò, tạo được hiệu ứng tích cực”, ông Phú chia sẻ nhận định.

Song ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, chiếc váy hoa là tinh hoa của dân tộc Thái. Vì là tinh hoa, nên mới được lưu trữ ở bảo tàng tỉnh. Và đây là hình ảnh biểu tượng, nên tác giả muốn thể hiện cái gì đẹp nhất, tươi tắn nhất vào tác phẩm nghệ thuật.

Từ thực tế, cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, sự quan tâm phản hồi của cộng đồng dân tộc Thái đối với chiếc "váy hoa" trong bức Panorama là có căn cứ, thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân, lòng tự tôn dân tộc trong việc bảo vệ, gìn giữ hình ảnh của dân tộc Thái. 

Cũng thật tiếc rằng, thay vì thể hiện chiếc “váy hoa” (có phần vẽ khó hơn), nếu tác giả thể hiện chiếc váy màu đen hoặc màu chàm dễ nhận diện, thì niềm vui, niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Thái sẽ thật trọn vẹn và giá trị tác phẩm sẽ được nhân lên gấp bội.

Và, nếu chiếc “váy hoa” đặc biệt ấy được cộng đồng người Thái nhìn nhận lại, coi đó là tinh hoa, là hình ảnh đẹp nhất của dân tộc Thái, thì tác giả và tác phẩm sẽ đạt được ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Thái...do vậy, cộng đồng dân tộc Thái cũng cần có tiếng nói chung thống nhất về hình ảnh đại diện.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.