Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Hiệu quả Tuyên truyền, giáo dục pháp luật: Nhìn từ cơ sở

Minh Thu - 09:30, 08/10/2020

Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho người dân tại các tỉnh biên giới được các cấp, ngành quan tâm, tổ chức thực hiện. Từ đây, đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.

BĐBP Hà Tĩnh tổ chức Trung thu năm 2020 cho trẻ em dân tộc Chứt ở bản Rào Tre
BĐBP Hà Tĩnh tổ chức Trung thu năm 2020 cho trẻ em dân tộc Chứt ở bản Rào Tre

“Nhịp cầu se duyên” của BĐBP

6 năm về trước, trong một lần vào bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) tham gia hoạt động Đoàn Thanh niên, với sự giới thiệu “có chủ ý” của Trung tá Dương Thanh Tịnh, cán bộ Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre, Đồn Biên phòng (ĐBP) Bản Giàng, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh, chàng trai người Kinh Nguyễn Văn Nhân đã cảm mến sự chân thật của cô gái dân tộc Chứt Hồ Thị Duyên.

Duyên là thiếu nữ dân tộc Chứt đầu tiên học hết THPT. Được sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ ĐBP Bản Giàng, cả Nhân và Duyên đã vượt qua rào cản tâm lý, những khoảng cách về văn hóa để đến với nhau. Bé Thục Quyên là “trái ngọt” của mối tình Nhân - Duyên mà “ông mối” chính là Trung tá Dương Thanh Tịnh. 

 “Từ 6 năm nay, cả 6 đứa trẻ dân tộc Chứt bản Rào Tre được sinh ra từ các cặp vợ chồng có bố hoặc mẹ là dân tộc Chứt với sự giúp đỡ, tư vấn của BĐBP. Không như trước đây, những đứa trẻ ở bản Rào Tre được sinh ra đều từ những cuộc hôn nhân cận huyết thống”, Trung tá Dương Thanh Tịnh chia sẻ.

Kết quả đó có được là nhờ những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ ĐBP Bản Giàng trong công tác TTPBGDPL. Năm 2014, Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre đã xây dựng Chương trình “Nhịp cầu se duyên”, để giúp những bạn trẻ dân tộc Chứt có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, kết hôn với thanh niên không cùng huyết thống. 

“Ngoài đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, tôi đã vào Tuyên Hóa (Quảng Bình) để đặt vấn đề mai mối hôn nhân cho đồng bào Chứt. Sau đó, kết nối để các thanh niên hẹn hò, tìm hiểu. Đến nay, cán bộ ĐBP đã mai mối, lo liệu, tổ chức được 8 đám cưới có dâu, rể ở ngoài bản Rào Tre. Theo tôi, đây cũng chính là cách TTPBGDPL một cách hiệu quả để bà con dân tộc Chứt thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình”, Trung tá Dương Thanh Tịnh cho biết. 

“Tiếng kẻng an ninh” trên biên giới

Ở Hà Giang, từ năm 2016 trở về trước, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn huyện Đồng Văn có nhiều diễn biến phức tạp. Tội phạm mua bán người thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân rồi tìm cách lừa bán qua biên giới cho các ổ chứa, động mại dâm, trẻ em thì bán cho những gia đình hiếm muộn. 

Trung tá Tạ Quang Tiến, cán bộ ĐBP Lũng Cú (BĐBP Hà Giang) được tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn chia sẻ: Năm 2016, khi thành lập Tổ an ninh tự quản về an ninh trật tự (ANTT) với mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, “Chiếc gậy an toàn”, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Lũng Cú đã triển khai huấn luyện, diễn tập cho các thôn xử lý các tình huống phòng, chống tội phạm như: Trộm cắp gia súc, bắt cóc phụ nữ, trẻ em đưa qua biên giới... thông qua tiếng kẻng. Mỗi khi phát hiện thấy đối tượng xấu, khả nghi vào bản, người dân sẽ lập tức đánh kẻng báo động để xua đuổi, không để xảy ra sự cố.

Với việc đẩy mạnh, đổi mới phương pháp TTPBGDPL, bằng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong chấp hành pháp luật, giữ gìn ANTT; qua đó, người dân an tâm lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm ANTT khu vực biên giới.”

Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp

Từ khi thực hiện mô hình “Tiếng kẻng an ninh” người dân thôn Thèn Ván được huấn luyện diễn tập, xử lý các tình huống xảy ra nên các vụ việc xảy ra trên biên giới như: Trâu, bò nước bạn sang bên mình, người lạ xâm nhập… đều được phát hiện và báo ngay cho UBND xã và BĐBP để giải quyết. 

Theo Trung tá Tạ Quang Tiến: Thời gian qua, từ mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, Nhân dân đã cung cấp cho cơ quan chức năng được trên 30 tin có giá trị, liên quan đến an ninh thôn, bản. Nhờ đó, tình hình ANTT trên địa bàn cơ bản ổn định, giảm khoảng 70% số vụ việc phát sinh. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhờ công tác phối hợp giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP và người dân mà 3 công dân nhập cảnh trái phép tại mốc 421, thuộc địa bàn thôn Thèn Ván đã được phát hiện, đưa đi cách ly theo đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp, với việc đẩy mạnh, đổi mới phương pháp TTPBGDPL, bằng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong chấp hành pháp luật, giữ gìn ANTT; qua đó, người dân an tâm lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm ANTT khu vực biên giới.