Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hiệu quả từ sự đồng thuận, tự giác của người dân trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Trọng Bảo - 09:38, 20/10/2024

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đó là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) với nguồn lực lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Để bảo đảm tiến độ giải ngân các nguồn vốn, triển khai hiệu quả các chương trình, sự đồng thuận, phát huy nội lực của Nhân dân có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng.

Cây chanh leo được kỳ vọng là cây xóa nghèo cho người dân Trịnh Tường
Người dân xã Trịnh Trường, huyện Bát Xát đồng thuận, tự giác tham gia trồng cây chanh leo mang lại thu nhập cao cho gia đình

Hơn 6 héc ta cây chanh leo được đưa vào trồng tại thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát hiện đang cho thu hoạch vụ đầu tiên, với giá bán tại vườn là 30 - 40 nghìn/kg quả tươi. Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường cho biết: Trịnh Tường là xã vùng III của huyện Bát Xát, đời sống, thu nhập của người dân lâu nay vẫn chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, cây ngô nên còn rất nhiều khó khăn. 

Khi xã được thụ hưởng nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, trong đó có nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất; cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện nghiên cứu, tìm hiểu các giống cây con có giá trị kinh tế để đưa vào nuôi trồng, nhằm từng bước cải thiện thu nhập cho bà con nông dân.

“Cây chanh leo là một trong những cây trồng được chúng tôi lựa chọn để hỗ trợ bà con nông dân đưa vào trồng thử nghiệm. Với đối tượng thụ hưởng là các hộ nghèo và cận nghèo của thôn; khi tham gia dự án bà con được hỗ trợ giống, phân bón và dây làm giàn và được cam kết bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Đến thời điểm này, tuy mới đang thu hoạch vụ đầu tiên nhưng quả chanh leo được giá, thu hoạch đến đâu được thương lái vào tận vườn mua đến đó nên bà con rất phấn khởi”, ông Lực cho biết thêm.

Hiệu quả bước đầu là vậy, nhưng những ngày đầu tuyên truyền về chủ trương, chính sách, cũng như vận động bà con tham gia dự án gặp rất nhiều khó khăn. Anh Lò Láo Tả, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Ngan cho biết: Bà con trong thôn lâu nay quen với cây ngô, cây lúa rồi, nên khi thấy chủ trương chuyển sang trồng cây chanh leo thì còn ái ngại, chưa đồng thuận. Bởi chanh leo là cây trồng mới, nhiều người còn chưa biết là cây gì nên bà con chưa tin tưởng và không muốn tham gia trồng cũng là điều dễ hiểu.

“Để bà con tin tưởng và tham gia, như tôi là Bí thư Chi bộ thôn phải tiên phong nhận trồng 100 gốc. Rồi vừa kiên trì vận động, vừa triển khai trồng trên diện tích đất của gia đình mình, dần dần bà con cũng tham gia vào dự án. Hiện nay, thôn Phìn Ngan có 15 hộ tham gia trồng cây chanh leo; mấy ngày nay nhiều hộ đang thu hoạch bà con phấn khởi lắm vì giá cao mà trồng cũng không quá vất vả. Nhiều hộ trong thôn cũng đang đăng ký để sang năm đưa cây chanh leo vào trồng trên diện tích đất sản xuất của gia đình”, anh Tả chia sẻ.

Người dân vùng cao Lào Cai đã hiến hàng chục nghìn héc ta đất để làm đường giao thông
Người dân vùng cao Lào Cai đã hiến hàng chục nghìn héc ta đất để làm đường giao thông

Thôn Nậm Cọ, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn có thế mạnh trồng cây quế. Trước đây đường vào thôn rất khó khăn, khiến việc đi lại, giao thương cũng hạn chế, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân. Nhưng khi tuyến đường giao thông vào thôn với chiều dài 1,5km được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, đã mở ra cơ hội mới cho bà con trồng quế nơi đây.

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Thượng, những ngày đầu vận động bà con hiến đất mở đường, xã gặp rất nhiều khó khăn; nhiều vị trí tuyến đường đi qua là rừng sản xuất của bà con nên không đồng ý, vì như vậy mất nhiều cây cối, hoa màu; trong đó có cây quế. "Tuy nhiên, chúng tôi vừa tuyên truyền về chủ trương, vừa phân tích về lợi ích. Ví dụ như khi có đường bê tông thì quế của bà con dễ bán hơn, được giá hơn, con cái đi học thuận lợi hơn…".

Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hạnh chia sẻ, rồi bà con cũng hiểu và chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền xã để làm giao thông. Tính ra, khi hoàn thành tuyến đường này, bà con Nhân dân đã hiến trên 2 nghìn mét vuông đất. Giao thông thuận lợi, diện tích trồng quế trong thôn ngày càng được mở rộng, thu nhập từ cây quế đã góp phần “đổi đời” và làm giàu cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã.

Nguồn lực từ các Chương trình MTQG đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Nguồn lực từ các Chương trình MTQG đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Có thể thấy, để triển khai các Chương trình MTQG đạt hiệu quả, đúng tiến độ thì công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân là vô cùng quan trọng. Khi người dân nhận thức về vai trò chủ thể của mình trong việc thực hiện Chương trình; hiệu quả mà Chương trình mang lại thì sẽ trở thành ý thức tự giác, chủ động, hăng hái tham gia của mỗi người dân.

Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần đưa Lào Cai trở thành địa phương luôn đứng trong tốp đầu của cả nước về tỷ lệ giải ngân nguồn vốn các Chương trình MTQG thời gian vừa qua.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.