Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả từ mô hình y học gia đình ở Yên Bái

Trọng Bảo - 11:22, 29/01/2021

Sau gần 3 năm triển khai (từ năm 2018), mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình ở Yên Bái, bước đầu mang lại hiệu quả. Từ hoạt động của mô hình, góp phần đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; từng bước nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bản thân...

Các bác sỹ khám, siêu âm cho bệnh nhân tại Trạm y tế xã Báo Đáp
Các bác sỹ khám, siêu âm cho bệnh nhân tại Trạm y tế xã Báo Đáp

Nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe

Theo quy định, các cơ sở y học gia đình bao gồm, các trạm y tế cơ sở; phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân, khu vực...; và là nơi đầu tiên tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa theo nguyên lý y học gia đình cho cá nhân, hộ gia đình.

 Khi triển khai thành công mô hình y học gia đình, sẽ mang lại hiệu quả giảm chi phí y tế, tăng tuổi thọ người dân, giảm tỷ lệ bệnh nặng, tăng sự hài lòng của người dân về các dịch vụ y tế, bảo đảm công bằng trong chăm sóc y tế. Mặt khác, triển khai hoạt động y học gia đình hiệu quả, không những giúp khắc phục triệt để tình trạng quá tải bệnh viện, mà còn góp phần cải tổ hệ thống y tế.

Theo đó, tỉnh Yên Bái là một trong 8 địa phương trong cả nước, được Bộ Y tế chọn thực hiện mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Sở Y tế Yên Bái đã lựa chọn, triển khai tại 3 trạm y tế cấp xã điểm gồm: xã Việt Hồng, xã Báo Đáp và thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên).

Khi triển khai mô hình y học gia đình (năm 2018), Trạm Y tế xã Báo Đáp được đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ. Theo Bác sĩ Phạm Văn Ánh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Báo Đáp, hiện trạm có 14 phòng khám và điều trị bệnh, với 5 cán bộ, y, bác sĩ. 

"Trước kia, mỗi năm, Trạm có gần 3 nghìn lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, sau khi triển khai mô hình y học gia đình, tỷ lệ bệnh nhân tăng lên trên 4 nghìn lượt người/năm. Riêng trong năm 2020, trung bình mỗi ngày, số lượt bệnh nhân đến khám bệnh tăng gấp đôi so với năm 2019”, bác sĩ Ánh thông tin.

Ngoài những trạm y tế xã chọn làm điểm, các trạm y tế khác áp dụng, triển khai mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình cũng mang lại kết quả tích cực. Ví dụ như Trạm Y tế xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên có 9 phòng khám chữa bệnh. Đội ngũ y, bác sĩ ở đây được nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng, thay đổi thái độ phục vụ đối với bệnh nhân. 

Năm 2019, Trạm đã phối hợp y tế thôn bản khám sàng lọc các loại bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, sau đó lập hồ sơ quản lý; tuyên truyền cho người dân hàng tháng đến khám và lấy thuốc uống nhằm bảo vệ sức khỏe. Đến thời điểm này, 21/21 xã trên địa bàn Trấn Yên đã triển khai mô hình; hơn 95% người dân trên địa bàn đã có hồ sơ quản lý sức khỏe.

Người dân đến khám và điều trị tại Trạm y tế xã Tân Đồng
Người dân đến khám và điều trị tại Trạm y tế xã Tân Đồng

Hình thành thói quen chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng 

Theo bác sĩ Đào Văn Khang,Trưởng phòng Kế hoạch và Nghiệp vụ, Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên, việc triển khai mô hình, giúp cho các trạm y tế xã dễ dàng nắm được tình hình sức khỏe của từng người dân, qua đó có phác đồ điều trị hiệu quả và phù hợp. Đồng thời, quản lý tốt được các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng. Người dân cũng nhận thức được sự cần thiết trong bảo vệ sức khỏe của mình, thường xuyên đến trạm y tế khám, chữa bệnh theo đúng định kỳ, giảm nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm…

Trong mô hình y học gia đình, Trạm Y tế xã là một trong những nơi đầu tiên đón tiếp và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Vì vậy, việc đầu tư, củng cố, nâng cấp chất lượng hoạt động của các trạm y tế xã thời gian qua, được tỉnh Yên Bái quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động. Đến nay, trên 1.000 lượt cán bộ của 180/180 trạm y tế xã đã được đào tạo; hơn 90% trạm y tế đều lập sổ quản lý bệnh nhân.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết: Hiện ngành y tế đang tiếp tục rà soát và đào tạo đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ các trạm y tế xã; chỉ đạo các trạm lập hồ sơ quản lý bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm một cách đồng bộ, đầy đủ; phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ; trong đó, chú trọng tuyên truyền trực tiếp tại các trạm y tế xã và Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, qua các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, lập hồ sơ qua đợt khám chữa bệnh…

"Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh đều đạt tiêu chí trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình”, bà Lê Thị Hồng Vân cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.