Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Hiệu quả từ dự án giảm nghèo Tây Nguyên

PV - 15:37, 23/02/2018

Những năm qua, trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã có hàng trăm tiểu dự án sinh kế (TDA) trồng trọt, chăn nuôi… từ Dự án giảm nghèo Tây Nguyên được triển khai, giúp hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng hưởng lợi thay đổi cách nghĩ, cách làm phát triển kinh tế và có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo.

Dự án giảm nghèo Tây Nguyên được triển khai ở tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2015, có 4 hợp phần: Phát triển hạ tầng cấp thôn, bản; Phát triển sinh kế bền vững; Phát triển hạ tầng kết nối cấp huyện; Nâng cao năng lực truyền thông và quản lý dự án.

Qua 3 năm triển khai thực hiện (2015-2017), dự án đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi tại 15 xã được hưởng lợi trên địa bàn 3 huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây.

 Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ dự án, người dân đã thay đổi phương thức sản xuất. (trong ảnh: Mới đầu năm nhưng người dân miền núi Quảng Ngãi đã lên nương để chăm sóc sắn, ngô) Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ dự án, người dân đã thay đổi phương thức sản xuất. (trong ảnh: Mới đầu năm nhưng người dân miền núi Quảng Ngãi đã lên nương để chăm sóc sắn, ngô).

 

Ngoài tập trung hỗ trợ các mô hình sinh kế giúp hộ nghèo nuôi bò, trâu, gà, dê; áp dụng các mô hình trồng lúa, bắp, cải tạo vườn… nhiều công trình phát triển hạ tầng cấp cơ sở, như: Nhà văn hóa, công trình nước sạch, đường giao thông thôn, xóm… được đầu tư xây dựng giúp người dân giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế được thuận lợi hơn nhiều, các em học sinh đến trường đã bớt khó khăn hơn vào mùa mưa lũ.

Đáng ghi nhận là, các hình thức hỗ trợ sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án đều xuất phát từ nhu cầu và đặc điểm của người hưởng lợi. Người dân được tập hợp trong một nhóm, cùng nhau bàn bạc nuôi con gì, trồng cây gì và hỗ trợ nhau trong sản xuất, chăn nuôi.

Cán bộ kỹ thuật từ dự án hướng dẫn sản xuất bằng cách “cầm tay, chỉ việc” nên người dân đã thay đổi thói quen sản xuất “dựa vào trời”, dần tiếp cận được với cách sản xuất khoa học. Người dân miền núi đã thay đổi thói quen trồng lúa rẫy sang lúa nước, từ chăn nuôi thả rông sang nuôi chuồng trại, có phòng trừ dịch bệnh khoa học hơn...

Hiệu quả nhất có thể kể đến là TDA trồng lúa nước tại các xã trong vùng dự án được triển khai trong năm 2017, năng suất lúa bình quân đạt 55- 58 tạ/ha, tăng từ 12-15 tạ/ha so với tập quán sản xuất cũ của bà con.

Ông Trần Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Ba Giang (Ba Tơ) cho biết: “Từ khi TDA trồng lúa nước triển khai trên địa bàn xã, không chỉ đưa năng suất lúa lên cao mà còn giúp người dân thay đổi nhận thức trong việc canh tác lúa nước. Năm 2015 năng suất lúa nước của xã chỉ 38 tạ/ha, nhưng đến năm 2017 thì năng suất tăng bình quân 51 tạ/ha.

Điều đặc biệt, từ trước người dân chưa biết mua giống lúa về gieo sạ thì nay đã biết tự mua lúa giống chất lượng về gieo sạ”.

Năm 2018, Dự án giảm nghèo Tây Nguyên tiếp tục được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư gần 176,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA hơn 174 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng. Theo kế hoạch, sẽ thực hiện 183 TDA hợp phần phát triển sinh kế bền vững, trong đó có 15 TDA an ninh lương thực và dinh dưỡng.

Theo ông Trần Ngọc Thương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, hiệu quả từ Dự án giảm nghèo Tây Nguyên là khá rõ ràng, đời sống của bà con được nâng lên, góp phần đáng kể trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khăn trong việc lựa chọn cây, con phù hợp để triển khai mô hình.

Đơn cử như mô hình nuôi ếch sinh sản và phát triển cây dược liệu được dự án đưa vào hỗ trợ cho người dân. “Mô hình nuôi ếch sinh sản cần phải xem xét lại, vì phải theo một quy trình nghiêm ngặt nên người dân rất khó làm theo.

Bên cạnh đó, mô hình phát triển cây dược liệu cũng cần phải nghiên cứu kỹ, nhất là phía nhà cung ứng giống, đầu ra như thế nào? tránh lặp lại trường hợp “bí” đầu ra như cây cà gai leo ở huyện Minh Long, Nghĩa Hành.

Trong thời gian tới, để cây, con giống của dự án đưa đến cho người dân phát huy được hiệu quả tốt nhất thì trước hết khâu cung ứng giống cần phải được giám sát chặt chẽ vấn đề đầu vào và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thực của người dân thụ hưởng. Ông Thương nhấn mạnh.

Trên thực tế, do trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế, bà con lại chưa có kinh nghiệm nên không ít cây, con giống đã bị chết hoặc phát triển không như mong đợi.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai dự án, số hộ gia đình tiếp thu và vận dụng tốt các quy trình kỹ thuật vào sản xuất, biết tính toán sử dụng vật tư, phân bón hợp lý, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi đúng cách…, đã tăng lên rõ rệt. Đây thực sự là những tín hiệu vui cho công tác giảm nghèo khu vực miền núi của tỉnh.

LÊ PHƯƠNG