Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Nhìn từ Kon Tum

PV - 14:59, 18/12/2018

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong những năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum phối hợp các chủ rừng là tổ chức và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo điều kiện cho người dân nhận đất nhận rừng, nhận khoán bảo vệ rừng có thêm thu nhập, tạo sinh kế lập nghiệp, không xâm hại rừng.

dịch vụ môi trường rừng Người dân nhận khoán tham gia tuần tra bảo vệ rừng.

Chủ trương tạo sinh kế cho người dân gắn bó với rừng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đẩy mạnh thực hiện thông qua việc tập huấn, hướng người dân sử dụng đồng tiền dịch vụ môi trường rừng vào sản xuất có hiệu quả. Trao đổi việc thực hiện chính sách này, ông A Thuận, thôn 1B, xã Đăk Ui (Đăk Hà) phấn khởi kể: Gia đình tôi được Nhà nước giao quản lý 10 ha rừng. Quản lý bảo vệ rừng và không để xảy ra mất rừng, gia đình được Ban Chi trả dịch vụ môi trường rừng huyện chi trả trên 4 triệu đồng/năm. Từ đồng tiền này, cùng với tiền tiết kiệm và được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, gia đình trồng 1ha cà phê, 1ha bời lời... Đồng tiền dịch vụ môi trường rừng góp phần giúp gia đình giảm nghèo và nâng cao đời sống.

Đồng hành với người dân, bà Y Loan-Thôn trưởng thôn 1, thị trấn Đăk Rve (Kon Rẫy) cho biết, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp cho nhiều người dân nhận khoán trên địa bàn có thu nhập từ 4-6 triệu đồng/năm. Từ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, nhiều hộ gia đình nghèo trên địa bàn đầu tư mua phân bón thâm canh cây trồng hay trồng được những vườn cà phê, bời lời có giá trị. Qua đó, có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, theo ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, trong quá trình thực hiện chính sách, hằng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh còn hỗ trợ sách vở cho học sinh ở các xã có rừng cung ứng dịch vụ. Năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh in các thông điệp thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường trên bìa vở và cấp vở cho các em học sinh ở 190 trường tiểu học, trung học cơ sở (mỗi học sinh được cấp từ 5-8 quyển vở) nhằm góp phần giảm gánh nặng cho các bậc phụ huynh. Đồng thời, thông qua những thông điệp truyền thông in trên vở, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh muốn giáo dục các em và nâng cao ý thức cộng đồng thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần bảo vệ rừng và môi trường ở địa phương.

Thực hiện chính sách, UBND tỉnh chỉ đạo dành trên 50% diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng là tổ chức để khoán cho người dân, cộng đồng dân cư thôn quản lý, bảo vệ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, hằng năm sẽ có trên 50% số tiền giải ngân (sau khi trừ đi 10% chi phí quản lý của các chủ rừng) sẽ đến với người dân và cộng đồng tham gia giữ rừng. Trong năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã giải ngân cho các chủ rừng trên 200 tỷ đồng, thì số tiền người dân và cộng đồng nhận được quả không nhỏ.

Thực hiện mục tiêu đặt ra, năm 2019, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nói chung và việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nói riêng; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, đặc biệt là người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...

VĂN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.