Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả của chính sách hỗ trợ các dân tộc có khó khăn đặc thù nhìn từ Lai Châu

Thùy Giang - 07:50, 01/05/2024

Triển khai các chính sách hỗ trợ các dân tộc có khó khăn đặc thù thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719, đồng bào dân tộc Lự trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được đầu tư, hỗ trợ để giải quyết các vấn đề cấp thiết. Với nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào, các chính sách hỗ trợ đã góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của người Lự tại nhiều bản làng của Lai Châu.

Các thiếu nữ dân tộc Lự biểu diễn dân vũ.
Các thiếu nữ dân tộc Lự biểu diễn dân vũ.

Tạo sinh kế bền vững

Bản Bãi Trâu, xã Bản Hon, huyện Tam Đường có 24 hộ gồm 124 nhân khẩu, 100% là dân tộc Lự. Những năm trước đây, đời sống của người dân gặp không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của bản còn cao.

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 9, năm 2022, mỗi hộ gia đình ở bản Bãi Trâu đã được hỗ trợ 01 con trâu để cải thiện điều kiện sản xuất. Trước đó, đồng bào Lự bản Bãi Trâu còn được hỗ trợ 100% giống và phân bón để phát triển cây chè, nâng tổng diện tích chè của cả bản lên 12,2ha.

Ông Tao Văn Kẻo, Trưởng bản Bãi Trâu cho biết: “Nhờ có nguồn đầu tư từ chính sách cho dân tộc có khó khăn đặc thù như dân tộc Lự, cùng với sự chăm chỉ, nỗ lực của bà con nhằm đa dạng hóa nguồn thu, thu nhập của bà con đã tăng lên. Nhiều gia đình ở bản không chỉ thoát nghèo mà đã có điều kiện kinh tế hơn trước rất nhiều.

“Điển hình như gia đình anh Vàng Văn Giọt từ nuôi đàn trâu, nuôi thêm lợn, gia cầm, trồng chè, lúa, ngô thu lãi trên 80 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của bà con dân bản năm 2023 đạt 35 triệu đồng/người. Trong bản, hiện có nhiều nhà được xây mới hoặc sửa sang khang trang, sạch đẹp”, ông Kẻo phấn khởi nói.

Tương tự, ở xã Nà Tăm, huyện Sìn Hồ, triển khai Tiểu Dự án 1, địa phương đã cấp giống bưởi da xanh cho 400 hộ; đồng thời hỗ trợ phân bón và được cán bộ khuyến nông của huyện hướng dẫn kĩ thuật trồng trọt. Theo đánh giá, việc phát triển diện tích bưởi da xanh mang lại cho người dân Nà Tăm nguồn thu nhập ổn định.

Thống kê kết quả thực hiện nội dung số 2 – hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế thuộc Tiểu Dự án 1 của Dự án 9, ông Nguyễn Đức Thuận, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho biết: Tính đến hết năm 2023, Chương trình đã hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào cho 742 hộ DTTS có khó khăn đặc thù, với kinh phí đã giải ngân là 14.278 triệu đồng.

Phụ nữ dân tộc Lự trong trang phục truyền thống.
Phụ nữ dân tộc Lự trong trang phục truyền thống.

Gìn giữ văn hóa truyền thống

Theo Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu Nguyễn Đức Thuận, triển khai Tiểu dự án 1, Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện đồng bộ các nội dung khác như đầu tư cơ sở hạ tầng các thôn, bản theo tiêu chí NTM; hỗ trợ bảo vệ và phát triển các DTTS có khó khăn đặc thù; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thông tin – truyền thông nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào.

Trong đó, để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Lự, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, mỗi bản đồng bào dân tộc Lự đã được hỗ trợ 30 triệu đồng/bản mua sắm các thiết chế văn hoá cho các nhà văn hoá bản như: bàn, ghế, tăng âm, loa đài… để phục vụ nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, phục dựng những lễ hội truyền thống, không gian trưng bày văn hóa. Đồng thời, các địa phương cũng dành nguồn kinh phí hỗ trợ cho các đội văn nghệ hoạt động quần chúng, các câu lạc bộ văn hóa dân gian.

Nghệ nhân Lò Thị Sọn, dân tộc Lự, ở bản Nà Khum, xã Bản Hon, huyện Tam Đường chia sẻ: “Tôi luôn muốn truyền dạy cho thế hệ con cháu các bài hát, điệu múa của dân tộc mình cho con cháu. Nay càng được Nhà nước quan tâm, động viên, khuyến khích, công việc này ngày càng hiệu quả hơn, thế hệ trẻ yêu thích, tự hào và biết giữ gìn văn hóa của dân tộc mình hơn”.

Theo thống kê, toàn tỉnh Lai Châu hiện có 22 đội văn nghệ thôn, bản có các DTTS có khó khăn đặc thù được thành lập và duy trì hoạt động, trong đó có đội văn nghệ đồng bào dân tộc Lự. Tổng số tiền hỗ trợ cho các đội văn nghệ chưa nhiều (đã giải ngân 440 triệu đồng) nhưng các đội văn nghệ đã hoạt động rất tích cực để giữ gìn các điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống độc đáo của dân tộc mình.

Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu Nguyễn Đức Thuận khẳng định, chính sách hỗ trợ hỗ trợ các dân tộc có khó khăn đặc thù tại Dự án 9 - Chương trình MTQG 1719 đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Những bản làng của người Lự trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã từng bước thay đổi diện mạo, ngày một tươi sáng hơn, khang trang, trù phú hơn.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.