Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hiệu quả công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS ở Phong Thổ

Đức Bình - 06:57, 15/12/2023

Để nâng cao dân trí, giúp đồng bào các dân tộc tiếp cận thông tin và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngành Giáo dục huyện Phong Thổ, tỉnh Lại Châu đã phối hợp với các cấp tổ chức lớp xoá mù chữ cho người dân. Các chị em phụ nữ ban ngày lao động ở trên nương, tối về đi học lấy "con" chữ.

Lớp học xóa mù chữ tại bản Dền Thàng A, xã Dào San, huyện Phong Thổ
Lớp học xóa mù chữ tại bản Dền Thàng A, xã Dào San, huyện Phong Thổ

Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới, nằm ở phía Bắc của tỉnh Lai Châu với 93% dân số là đồng bào DTTS sinh sống ở 171 bản, thuộc 17 xã, thị trấn. Trong đó 12/17 xã là xã đặc biệt khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, tỉ lệ hộ nghèo ở các xã vùng đồng bào DTTS còn khá cao. 

Thực hiện Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), trong năm 2022, huyện Phong Thổ được phân bổ 6.197 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, huyện Phong Thổ đã triển khai thực hiện Tiểu Dự án 1 “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS” thuộc Dự án 5 với tổng số kinh phí thực hiện năm 2022 là 3.238 triệu đồng.

Bản Thà Giàng thuộc xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (một trong tám xã biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu) có hơn 400 nhân khẩu. Trong đó, số người trong độ tuổi 35 trở lên không biết chữ chiếm gần 50% dân số. Phần lớn bà con người Dao nơi đây không thạo tiếng phổ thông, không biết chữ, mọi xác nhận thủ tục hành chính chỉ dùng ngón tay trỏ. Mọi giao tiếp bị hạn chế, dẫn đến đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn.

Những năm qua, thực hiện kế hoạch của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ, các thầy giáo Bộ đội thuộc Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 đã tổ chức dạy chữ cho bà con ở các bản Phố Vây, Thà Giàng, xã Sì Lở Lầu. Bà con được các cơ quan, đơn vị mở lớp trang bị từ sách giáo khoa, vở viết, phấn, bảng, bút.

Ông Phàn Diếu Khai ở bản Phố Vây chia sẻ: “Những ngày đầu Bộ đội mở lớp dạy chữ bà con dân bản còn e ngại không dám đến lớp, sợ không học được cái chữ thì xấu hổ. Khi được động viên bà con rất tích cực, nay nhiều người đã biết đọc, biết viết.

Mẹ con chị Tẩn Lở Mẩy (bản Phố Vây), dân tộc Dao, đều đặn tối nào cũng đến lớp học chữ. Chị Mẩy tâm sự: Nhà nhiều việc, thu xếp xong xuôi hết, mới yên tâm đi học được. Nhiều lần xã mở lớp dạy chữ, nhưng bận mải việc gia đình, lo cho con cái, chị đã bỏ dở mấy lớp. Lần này chị quyết tâm phải theo học đến cùng, phải biết viết thạo, đọc thông con chữ.

Chiến sĩ Đoàn KT-QP 356 dạy chữ cho bà con DTTS
Chiến sĩ Đoàn KT-QP 356 dạy chữ cho bà con DTTS

Còn tại xã Dào San, xã biên giới khó khăn của huyện Phong Thổ. Toàn xã có trên 85% là đồng bào DTTS, trong đó có rất nhiều phụ nữ chưa biết chữ.

Để nâng cao dân trí, giúp đồng bào các dân tộc tiếp cận thông tin và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngành Giáo dục huyện Phong Thổ đã phối hợp với các cấp tổ chức lớp xoá mù chữ cho người dân. Các chị em phụ nữ ban ngày lao động ở trên nương, tối về đi học lấy "con" chữ.

Cô Phạm Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San cho biết: " Hiện, chúng tôi đang mở 3 lớp xoá mù chữ với 60 học viên ở hai điểm bản U Ní Chải và Dền Thàng mỗi tuần 5 buổi vào các tối từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Các lớp xoá mù chữ của nhà trường đã đạt chuẩn mức độ 2. Trong thời gian 3 tháng, các học viên sẽ được truyền đạt các kỹ năng cơ bản về: nghe, nói, đọc, viết chữ và một số phép tính cơ bản. Cùng với dạy chữ xóa mù, lớp học còn kết hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lối sống văn hóa hợp vệ sinh, bài trừ các hủ tục lạc hậu… Kết thúc khóa học, đảm bảo 100% học viên biết đọc, biết viết, biết sử dụng các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản...".

Theo cô Phạm Thị Xuân, phần lớn các học viên tham gia lớp xóa mù chữ đều là nông dân, vốn quanh năm vất vả với công việc đồng áng, mùa vụ, khi tham gia các lớp học xóa mù chữ, họ càng trở nên bận rộn hơn. Đặc biệt, các học viên của lớp học đều là người đã lớn tuổi mới được tiếp cận tiếng phổ thông nên khi truyền đạt rất khó khăn trong phát âm, cách viết. Do đó, để thu hút học viên đến lớp và học viên tiếp thu bài học tốt, đội ngũ giáo viên phải linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên tổ chức các trò chơi phù hợp với bài học, đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Với phần viết chữ, viết số, người trẻ tuổi dễ tiếp thu hơn nhưng với các ông, các bà lớn tuổi phải chỉ cách cầm bút, cầm tay dạy viết từng nét, từng chữ.

Chị Lù Thị Mẩy, ở bản Dền Thàng, xã Dào San lập gia đình từ sớm, quanh năm bận rộn với công việc đồng áng, chồng lại đi làm xa nhà, một mình chị chăm sóc 3 đứa con nên chị không thể đọc, viết được tiếng Việt khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khi được cán bộ đến vận động đi học lớp tái xóa mù chữ, chị đã đăng ký tham gia ngay.

Lớp xóa tái mù chữ tại xã Dào San (Ảnh Thúy Hồng)
Lớp xóa tái mù chữ tại xã Dào San (Ảnh Thúy Hồng)

Chị Mẩy phấn khởi chia sẻ: Khi được tham gia lớp xoá mù chữ mà chị đã biết đọc, biết viết và tính toán làm ăn.

Tình đến hết tháng 11/2023, huyện Phong Thổ đã có 7/17 xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và 10/17 xã thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Trong đó số người từ 15 đến 35 tuổi được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt tỉ lệ: 98,6%; mức độ 2 là đạt tỉ lệ: 93,5%; Số người từ 15 đến 60 tuổi được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ đạt tỉ lệ: 96,0%, mức độ 2 đạt tỉ lệ: 80,4%.

Có thể nói, nhờ nguồn kinh phí triển khai thực hiện Tiểu Dự án 1, thuộc Dự án 5 Chương trình MTQG 1719 đã và đang là động lực quan trọng giúp huyện Phong Thổ thực hiện công tác xóa mù chữ, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS.

Năm 2024, tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Phong Thổ sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác điều tra, cập nhật số liệu, có giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Đồng thời mở các lớp xóa mù chữ tại các xã vùng đặc biệt khó khăn có tỷ lệ người mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 còn thấp.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.