Gia đình ông Hà Mon ở thôn Đá Trắng là một trong những hộ nghèo của xã Cầu Bà. Có hơn 1ha đất, gia đình ông trồng bắp, trồng mì nhưng vẫn không đủ ăn nên phải làm thuê, làm mướn để trang trải sinh hoạt gia đình. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, gia đình ông được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để chuyển đổi mô hình sản xuất.
“Tôi mua giống để trồng 1ha bưởi da xanh. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn được hỗ trợ 1 con bò cái giống. Bò mẹ đã sinh sản nên vợ chồng tôi rất phấn khởi, sẽ tiếp tục chăm sóc để gây dựng đàn bò. Tôi tin cây bưởi da xanh và chăn nuôi bò sẽ giúp mình thoát nghèo”, ông Hà Mon chia sẻ.
Còn ông Hà Thiêm Thoan, dân tộc Tày, ở thị trấn Khánh Vĩnh cũng được hỗ trợ vốn làm ăn. Ông Thoan đã chuyển đổi những cây trồng không hiệu quả sang mô hình cây ăn quả. Hiện vườn cây của ông phát triển khá tốt, với 1.700 gốc chuối, 200 gốc chanh, 200 gốc bưởi da xanh cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, ông Thoan không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của thị trấn Khánh Vĩnh.
Theo UBND huyện Khánh Vĩnh, 5 năm qua, chỉ riêng chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Khánh Vĩnh đã có 624 hộ tham gia phát triển các mô hình sản xuất, với tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp gần 7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định số 596/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa, toàn huyện có 26.607 hộ được thụ hưởng với kinh phí thực hiện gần 6 tỷ đồng, gồm hiện vật bằng giống cây trồng hoặc hỗ trợ tiền mặt cho hộ không có đất đai để mua vật nuôi theo nhu cầu.
Ngoài ra, hộ DTTS còn được thụ hưởng nhiều chương trình vay vốn ưu đãi lãi suất thấp. Trong đó, thực hiện theo Quyết định 3347/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa thì, hộ nghèo người DTTS nếu có nhu cầu vay vốn sẽ được tỉnh hỗ trợ lãi suất 100% và hộ cận nghèo sẽ được tỉnh hỗ trợ lãi suất 75%; mức vay tối thiểu là 20 triệu đồng/hộ/lần vay, tối đa là 50 triệu đồng/hộ/lần vay. Chính sự hỗ trợ này đã giúp cho hàng trăm hộ có điều kiện chuyển đổi mô hình kinh tế để giảm nghèo bền vững.
Theo ông Mấu Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, huyện phấn đấu đến năm 2024, sẽ giảm hộ nghèo là đồng bào DTTS xuống dưới 30%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,5 triệu đồng/người/năm; 98% hộ đồng bào có điện sinh hoạt, 95% hộ đồng bào có nước sinh hoạt, hằng năm tạo việc làm mới cho 1.000 lao động...
“Để thực hiện mục tiêu trên, huyện sẽ tiếp tục triển khai lồng ghép các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế hộ, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững cho người dân. Tăng cường vận động, khuyến khích phát huy tinh thần lao động sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước của một bộ phận người dân”, ông Phi chia sẻ.
Huyện sẽ tiếp tục triển khai lồng ghép các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế hộ, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững cho người dân. Tăng cường vận động, khuyến khích phát huy tinh thần lao động sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước của một bộ phận người dân”.
Ông Mấu Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh.