Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người DTTS tỉnh ở Lào Cai: Chất lượng dân số không ngừng được nâng cao (Bài 1)

Thanh Huyền – Phương Hiền - 05:57, 20/11/2023

Với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Lào Cai, xoá đói giảm nghèo luôn là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Lào Cai triển khai nhiều chính sách quan trọng, trong đó có chính sách về chăm sóc nâng cao sức khỏe cho người DTTS.

Lào Cai là tỉnh miền núi với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người DTTS chiếm tới 70% dân số, đời sống Nhân dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Để nâng cao công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, ngành Y tế Lào Cai nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dành cho người dân vùng khó.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, cán bộ y tế đang lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh tại nhà
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, cán bộ y tế phụ trách công tác dân số tại Trạm Y tế xã Pa Cheo, huyện Bát Xát lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh

Đưa Nghị quyết về vùng khó

Từ khi Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Nghị quyết hỗ trợ công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, chị Nguyễn Thị Vân Anh, cán bộ y tế phụ trách công tác dân số tại Trạm Y tế xã Pa Cheo, huyện Bát Xát đã nỗ lực không ngừng để thực hiện công việc của mình.

Là cán bộ phụ trách công tác dân số trên địa bàn xã, hiểu được sự khó khăn, vất vả của phụ nữ dân tộc vùng cao, chính vì vậy chị luôn mong muốn người dân nơi mình công tác được hưởng chính sách phù hợp nhất. Chị Vân Anh chia sẻ “Từ khi triển khai nghị quyết nâng cao chất lượng dân số dành cho người dân là đồng bào DTTS, trong đó có chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, chúng tôi cố gắng sàng lọc cho tất cả các cháu sinh trên địa bàn, từ những thôn xa đến thôn gần đều được sàng lọc miễn phí. Chương trình này đã đem lại rất nhiều lợi ích cho Nhân dân”.

Chị Thầu A Ly - xã Pa Cheo, huyện Bát Xát có con được sàng lọc sau sinh cho chúng tôi biết: "Bác sĩ bảo lấy máu gót chân cho con mình để phát hiện sớm các bệnh tật bẩm sinh, mình rất vui khi được hỗ trợ và  yên tâm hơn nhiều".

Cán bộ y tế huyện Bắc Hà tuyên truyền cho người dân tại xã nghèo Hoàng Thu Phố
Cán bộ y tế huyện Bắc Hà tuyên truyền cho người dân tại xã nghèo Hoàng Thu Phố

Tăng cường truyền thông, thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức 

Để người dân nơi đây không còn tư tưởng chủ quan, e ngại và không muốn đến các cơ sở y tế để được tư vấn về dân số kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, hàng tháng, chị Nguyễn Thị Thanh Ngân, cán bộ Trung tâm y tế huyện Bắc Hà không quản ngại khó khăn đã đến từng thôn, bản tuyên truyền, vận động người dân. Chị Giàng Thị Chở, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà mới sinh con tại Bệnh viện Đa khoa huyện tâm sự: "Trước đây, tôi sinh con tại nhà. Nay được cán bộ y tế tuyên truyền, vận động, tôi đến bệnh viện sinh nở để đảm bảo an toàn và được hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe". 

Chị Ngân cho chúng tôi biết: Hiện tại, tỷ lệ người DTTS đến sinh con tại bệnh viện chiếm từ 80 - 90 %. Đa phần khi đến bệnh viện, họ còn thiếu nhiều kiến thức chăm sóc về bản thân, và trẻ sơ sinh. Vì vậy khi họ mang thai, chúng tôi cũng đã tư vấn cách chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh, với mục đích giảm tử vong mẹ và bé, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi.

(CĐ Ban điện tử -đã BT) Chăm sóc sức khỏe cho người DTTS tỉnh Lào Cai: Không ngừng nâng cao chất lượng dân số (Bài 1) 2
Nhờ có những chính sách thiết thực mà chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS ngày càng nâng cao

Những kết quả quan trọng

Theo báo cáo từ Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lào Cai: tỷ lệ tăng dân số tự nhiên tiếp tục giảm và duy trì dưới 12‰ đạt và vượt chỉ tiêu giao hàng năm (từ 11,57‰ năm 2020 xuống còn 11,47‰ năm 2022); tỷ suất sinh thô giảm từ 16,74‰ năm 2020 xuống còn 16,10‰ năm 2022; giảm tỷ số giới tính khi sinh từ 114,1 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2020 xuống còn 112 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2022. 

 Ông Phạm Hồng Thanh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cho biết: "Nghị quyết hỗ trợ công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện; hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ tỉnh đến thôn bản được củng cố và hoàn thiện; Chiến dịch tuyên truyền lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe/kế hoạch hóa gia đình được triển khai tại các xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh triển khai hiệu quả các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, chúng tôi còn đẩy mạnh hoạt động triển khai các mô hình giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, mất cân bằng giới tính khi sinh".

Bằng nhiều cách khác nhau, việc thực hiện chính sách về dân số luôn được đến với người DTTS hiệu quả nhất. Qua đó, giúp đồng bào DTTS nâng cao sức khỏe, ổn định cuộc sống. Nhiều hộ gia đình và cá nhân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe, vươn lên phát triển kinh tế-xã hội và giữ gìn hạnh phúc gia đình. 

6 tháng đầu năm 2023 các nội dung do Chi cục Dân số-KHHGĐ Lào Cai chủ trì thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai và thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu vẫn ở mức thấp, dự kiến một số chỉ tiêu khó đạt được như: giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là 11,68% (KH 12,5%); Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi 27% (KH 26,7%); Trẻ em sinh ra của phụ nữ dưới 20 tuổi còn cao…Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu quan trọng về chăm sóc, nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số so với toàn quốc còn thấp.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.