Các chính sách dân tộc được phát huy
Những năm qua, từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, huyện được phân bổ hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ bò giống, heo giống và giúp người dân cải tạo ruộng phát triển sản xuất. Ngoài ra, từ nguồn vốn nhân rộng mô hình giảm nghèo, huyện Sông Hinh cũng hỗ trợ cho các hộ dân đồng bào DTTS có đất sản xuất, cấp nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề. Các mô hình hỗ trợ sản xuất đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp các hộ dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Niê Y Bức ở buôn Đức Mùi, xã Ea Trol, một trong những hộ nhận được sự hỗ trợ phấn khởi cho hay: Gia đình tôi được chính quyền địa phương cấp 1 sào ruộng, hỗ trợ phân bón, giống lúa và hướng dẫn cách trồng lúa nước. Ngoài ra, địa phương cũng cấp cho gia đình tôi 1 con bò lai làm giống để phát triển kinh tế.
“Trước đây, vợ chồng tôi không có ruộng rẫy, không có tài sản, sống chủ yếu từ tiền công chặt mía, làm thuê theo mùa vụ. Nay địa phương cấp ruộng, cấp bò, lại hướng dẫn cách làm ăn, vợ chồng mình rất phấn khởi, biết ơn Đảng, Nhà nước”, anh Bức chia sẻ thêm.
Còn anh Niê Y Loan ở xã Ea Trol cho biết: Trước đây, trong buôn còn khổ lắm, các hộ nghèo gặp cảnh đói giáp hạt thường xuyên. Được Nhà nước hỗ trợ heo, bò và cả giống cây trồng nữa nên không còn lo đói, chỉ quan tâm làm sao trồng cho tốt, nuôi cho nhiều để bán có tiền tích lũy. Đầu năm nay, gia đình tôi được hỗ trợ thêm 1 con bò giống, cán bộ của xã cũng về hướng dẫn cách trồng trồng cao su, sắn, ớt để phát triển kinh tế. Hiện tại thu nhập mỗi tháng của gia đình được 8 triệu đồng, so với trước đây tốt hơn rất nhiều.
Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn hơn, Để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, lãnh đạo huyện đã huy động thêm các nguồn lực từ các cơ quan, đơn vị giúp cho đồng DTTS phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Đơn cử như Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sông Hinh tổ chức trao 25 con bò sinh sản cho 25 hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo ở 7 xã trên địa bàn huyện để chăn nuôi phát triển kinh tế, với tổng giá trị lên đến 450 triệu đồng.
Cùng với đó, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên cũng lồng ghép nhiều nguồn lực, giúp phụ nữ DTTS có sinh kế để thoát nghèo. Điển hình như việc thành lập tổ hợp tác (THT), nhằm tập hợp chị em phụ nữ sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí còn hạn chế tham gia vào mô hình phát triển nông nghiệp; gìn giữ, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào như dệt thổ cẩm…
Tiếp tục chăm lo đời sống người dân
Bên cạnh việc phát huy hiệu quả các nguồn vốn phát triển kinh tế, việc chăm lo đời sống, nâng cao nhận thức cho người đồng bào DTTS cũng được đặc biệt quan tâm. Địa phương thường xuyên thông tin, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; gìn giữ, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào như dệt thổ cẩm, đan gùi, làm nhà sàn, trình tấu cồng chiêng, các lễ hội truyền thống…
Các chính sách về giáo dục, y tế, chính sách chăm lo cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS cũng được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, toàn huyện có 50 già làng, Người có uy tín. Hàng năm, Người có uy tín đều được tham dự các hội nghị cung cấp thông tin; tham gia các đợt tham quan, học tập tại các địa phương; thường xuyên được cập nhật những chủ trương, chính sách để trở thành “cầu nối” giữa người DTTS và chính quyền địa phương.
Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp Ban Dân tộc tỉnh tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào DTTS; trọng tâm là những kiến thức về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho thanh thiếu niên. Nhờ vậy, nhận thức của bà con ngày càng được nâng cao; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS không phát sinh mới.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Sông Hinh là huyện miền núi nghèo, vùng đặc biệt khó khăn của huyện lại càng nghèo hơn. 5 năm trước, địa phương bắt tay vào giảm nghèo cho vùng này với rất nhiều khó khăn, như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, dân trí thấp…
Nhưng nhờ người dân đồng lòng, chính quyền các cấp nỗ lực, vùng đặc biệt khó khăn của huyện đã thực sự thay đổi. Thời gian qua, các chính sách dân tộc, miền núi luôn được quan tâm sâu sát và chỉ đạo kịp thời. Các chương trình mục tiêu quốc gia được lồng ghép có hiệu quả, góp phần rất lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực phối hợp lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương để tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cao đời sống người dân”, ông Dạn chia sẻ thêm.