Xã Bát Đại Sơn có hơn 600 hộ gia đình với 72% là hộ nghèo, do trình độ dân trí không đồng đều, một số hủ tục còn tồn tại, trong đó tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra. Tại đây những đứa trẻ ở tuổi 13 đã đi lấy chồng, làm mẹ ở tuổi 15 thay vì đến trường.
Anh Thào Mí Quả, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Đại Sơn, Chủ nhiệm CLB tiền hôn nhân cho biết “Bát Đại Sơn là xã điểm nóng về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của tỉnh Hà Giang. Cùng với chính quyền địa phương, về phía huyện, tỉnh cũng đã có nhiều lớp tập huấn về kế hoạch hóa gia đình cho người dân. Nhưng kết quả vẫn không khả quan. Trước vấn đề đó, tôi đã đề xuất trình UBND xã Bát Đại Sơn thành lập CLB tiền hôn nhân nhằm từng bước đẩy lùi thực trạng này”.
Theo thống kê dân số của xã Bát Đại Sơn, năm 2015 trên địa bàn xã có 1 trường hợp kết hôn cận huyết thống. Khi chính quyền xã phát hiện thì người con gái đã có bầu nên chỉ có thể xử lý hành chính. Còn với tình trạng tảo hôn tính đến năm 2018 có 15 trường hợp. Nhưng nhờ có sự hoạt động tích cực hiệu quả của CLB tiền hôn nhân nên đã xử lý được 14/15 trường hợp, 1 trường hợp do đã có bầu.
Anh Quả cho biết “Ban đầu các thành viên trong CLB đến từng nhà để vận động, khuyên nhủ bằng lời, nhưng không có hiệu quả. Chỉ khi dùng biện pháp phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng và giao cho cán bộ tại thôn giám sát, kiểm tra, nếu trường hợp nào vi phạm bị phát hiện sẽ bị trục xuất ra khỏi xã. Rất may bà con đã ý thức được nên không có trường hợp nào xảy ra”.
CLB tiền hôn nhân có 9 chi bộ trực thuộc, mỗi chi bộ là một chân rết tại cơ sở trong phong trào đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Anh Tận Sen Hàn, thôn Na Quang cho biết: “Nhận thức của người dân còn hạn chế, chúng tôi phải đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để giải thích hoặc tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp thôn về tác hại, hệ lụy của việc lấy chồng sớm. Nhiều khi nói lý thuyết bà con không hiểu, tôi đưa ra những hình ảnh hằng ngày như việc trồng ngô thu hoạch non sẽ không có năng suất giống như trẻ em gái lấy chồng, lấy vợ sớm sẽ không có sức khỏe tốt, con sinh ra không được như những đứa trẻ bình thường khác. Hay trong xã có một vài đứa trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân cận huyết thống không phát triển bình thường tôi cũng đưa ra để mọi người nhìn vào… Nói một lần không hiểu thì nói nhiều lần, cứ thế tư tưởng của người dân cũng dần thay đổi”.
Ngoài việc vận động tại các gia đình có trường hợp xảy ra, các tình nguyện viên còn kêu gọi người dân trong xã ký cam kết không để con cháu trong gia đình lấy chồng, lấy vợ sớm hoặc lấy anh, chị em trong gia đình.
Sau một năm hoạt động, các hoạt động của CLB tiền hôn nhân đã có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở xã Bát Đại Sơn. Xử lý kịp thời các trường hợp có ý định lấy chồng, lấy vợ sớm, đặc biệt không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Có thể nói rằng, CLB tiền hôn nhân xã Bát Đại Sơn ra đời không chỉ có ý nghĩa về mặt chủ trương, mà còn thể hiện tính sáng tạo đưa ra cách làm hay, mô hình hiệu quả để giải quyết bài toán tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mô hình hoạt động của CLB là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương học tập, áp dụng.
HỒNG MINH