Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hiền hòa Kon Drei

PV - 15:10, 07/08/2020

Nằm bên cạnh dòng sông Đăk Bla hiền hòa, làng Kon Drei (xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) đẹp như bức tranh, mộc mạc và thanh bình. Ngôi làng nổi bật bởi mái nhà rông cao vút; những ngôi nhà sàn, nhà xây xen lẫn với cây cổ thụ xanh mướt. Đặc biệt, từ bao đời nay, người dân làng Kon Drei vẫn giữ nét đẹp trong sinh hoạt và sản xuất gắn liền với dòng sông Đăk Bla.

Nghệ nhân A Khiu truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng. Ảnh: ĐT
Nghệ nhân A Khiu truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng. Ảnh: ĐT


Nằm cách trung tâm xã Đăk Blà vài kilômét về phía Nam, làng Kon Drei hiện tại là nơi cư trú của 214 hộ đồng bào dân tộc Ba Na. Làng Kon Drei được biết đến là một trong số ít làng DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện nay có nghệ nhân “biết dạy cho chiêng hát và chữa bệnh cho chiêng” - đó là nghệ nhân chỉnh cồng chiêng A Khiu (84 tuổi).

Thông thường việc truyền dạy đánh chiêng đã khó, nhưng việc truyền dạy chỉnh chiêng còn khó gấp bội lần vì người dạy và người học phải có kỹ năng thẩm âm rất cao cùng với sự đam mê. Do vậy, hàng chục năm qua, nghệ nhân A Khiu vẫn miệt mài, cố gắng truyền dạy đánh chiêng và chỉnh chiêng cho lớp trẻ trong làng. Vì vậy, hiện nay, làng duy trì một đội cồng chiêng thường xuyên tham gia biểu diễn tại các lễ hội, các sự kiện văn hóa nghệ thuật của thành phố, của tỉnh.

Cùng với gìn giữ nét đẹp văn hóa cồng chiêng, đồng bào Ba Na làng Kon Drei vẫn lưu giữ những lễ hội truyền thống, biểu diễn múa xoang, đánh những bài chiêng.

Theo những người lớn tuổi làng Kon Drei, trong lịch sử hình thành và phát triển, làng Kon Drei đã trải qua 2 lần di dời trước khi định cư ở vị trí hiện nay. Nơi định cư 2 lần trước làng Kon Drei cũng nằm cạnh sông Đăk Bla như bây giờ.

Dân làng đánh cồng chiêng, múa xoang mừng nhà rông mới. Ảnh: XB
Dân làng đánh cồng chiêng, múa xoang mừng nhà rông mới. Ảnh: XB

Ông A Hor (70 tuổi) cho biết: Đối với các thế hệ người dân làng Kon Drei, sông Đăk Bla có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dòng sông không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt mà còn là nguồn cung cấp thủy sản dồi dào và bồi đắp phù sa để dân làng trồng trọt phát triển kinh tế tại bãi bồi ven sông.

Sinh ra và lớn lên ở làng Kon Drei, ông A Hor nhớ rõ những kỷ niệm của tuổi thơ gắn với dòng sông Đăk Bla. Đó là những lần nô đùa, thi bơi, thi lặn với các bạn cùng trang lứa, những lần cưỡi bò vượt sông hay cùng người thân trong gia đình đi bộ dọc bờ sông để bắt cá vào buổi tối mỗi ngày.

“Ngày xưa, khu vực bến sông nước sâu và cá nhiều lắm! Nhất là cá niêng, cá rô phi, cá trê. Chỉ cần cầm đuốc để sát dưới mặt nước dụ lũ cá bơi đến là có thể bắt được chúng.” - ông A Hor nói.

Hiện nay, dân làng Kon Drei vẫn duy trì việc đánh bắt cá ở sông Đăk Bla để cải thiện bữa ăn mỗi ngày. Vào buổi tối hay sáng sớm lúc mặt trời còn chưa ló dạng, dưới khúc sông Đăk Bla chảy qua làng vẫn thấp thoáng ánh đèn pin của những người đàn ông chèo thuyền đi bắt cá.

Những người đàn ông trong làng Kon Drei chèo thuyền đi bắt cá. Ảnh: ĐT
Những người đàn ông trong làng Kon Drei chèo thuyền đi bắt cá. Ảnh: ĐT

Vào mùa mưa hàng năm, nước sông Đăk Bla dâng cao, những đàn cá kéo nhau về các “Tum” (đầm, hồ) cạnh làng Kon Drei để đẻ trứng. Bên cạnh đó, sông còn mang nhiều phù sa về, bồi đắp lên những cánh đồng trồng lương thực và hoa màu của dân làng ở phía bên kia bờ sông (thuộc xã Đăk Rơ Wa). Nhờ vậy, khi đến vụ đông-xuân, dân làng Kon Drei lại có thêm nguồn cá mới, các loại cây lương thực và hoa màu cũng sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

Cũng như các làng DTTS khác định cư bên dòng sông Đăk Bla, làng Kon Drei cũng có bến sông cho riêng mình. Đây là nơi người dân trong làng vượt sông Đăk Bla để lao động, sản xuất mỗi ngày ở bên kia sông. Còn khi chiều về, lúc ánh hoàng hôn bắt đầu nhuộm vàng cả dòng sông, dân làng lại sum vầy chơi thể thao trên bờ sông và hoà mình vào làn nước mát để tắm rửa, giặt giũ.

Bến sông của làng Kon Drei có những lũy tre xanh, bãi cát trắng cùng thảm cỏ xanh trải dài vài trăm mét. Vậy nên, sau bữa cơm tối, thế hệ thanh niên trong làng hay rủ nhau ra đây nhóm lửa trò chuyện, hẹn hò và ngắm trăng. Vì thế mà biết bao đôi nam nữ của làng đã nên duyên vợ chồng.

Thanh niên làng Kon Drei đá bóng ở bến sông. Ảnh: ĐT
Thanh niên làng Kon Drei đá bóng ở bến sông. Ảnh: ĐT

Khó có thể đong đếm những gì dòng sông Đăk Bla đã và đang mang lại cho người dân làng Kon Drei. Những ngôi nhà được xây bằng gạch kiên cố, những con đường bê tông, đời sống bà con nâng lên... đều có một phần đóng góp từ dòng sông này.

“Chỉ mong các làng nằm dọc bên dòng sông Đăk Bla hãy cùng gìn giữ và bảo vệ con sông. Để con sông tiếp tục đem về của cải, vật chất, nâng cao đời sống tinh thần cho mọi người và cho các thế hệ con cháu sau này”, già A Hor chia sẻ.

Khi mặt trời đã khuất hẳn sau những dãy núi, ánh lửa từ bếp nấu cơm chiều được cháy lên, người dân làng Kon Drei bắt đầu rời bến sông để trở về nhà. Dòng sông Đăk Bla trở nên yên tĩnh, chảy êm đềm. Còn từ phía nhà rông của làng, tiếng đánh chiêng cũng bắt đầu ngân vang bên ánh lửa bập bùng.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.