Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiểm nguy rình rập trên tuyến đường gần 80 tỷ đồng

Mỹ Dung - 11:37, 04/10/2023

Tuyến đường Khe Giang – Thượng Yên Công, là một trong những tuyến giao thông huyết mạch từ trung tâm TP. Uông Bí (Quảng Ninh) và Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Yên Tử. Tuyến đường được đầu tư gần 80 tỷ đồng, thế nhưng, do có nhiều bất cập trong khâu thiết kế thi công nên chỉ mưa to là sạt, lở gây chia cắt cục bộ, gây hiểm nguy cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực.

Người dân nơm nớp lo sợ mỗi khi có việc đi qua tuyến đường này
Người dân nơm nớp lo sợ mỗi khi có việc đi qua tuyến đường này

Hiểm nguy luôn rình rập

Xã Thượng Yên Công, với hơn 1.400 hộ dân gồm 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm trên 57,8% dân số (chủ yếu là dân tộc Dao). Trên địa bàn xã có Di tích danh thắng Yên Tử là di tích đặc biệt cấp Quốc gia và rừng Quốc gia Yên Tử, là Trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Uông Bí. Hàng năm, nơi đây có hàng triệu lượt người dân, du khách đến lễ phật, tham quan, du lịch.

Nằm ngay trên địa bàn xã, với chiều dài gần 10 cây số, tuyến đường Khe Giang – Thượng Yên Công từ nhiều năm nay là tuyến giao thông  cho người dân, du khách hành hương về chùa Ba Vàng kết nối vào Yên Tử. Tuy nhiên, trong nhiều năm nay, mỗi khi có mưa lớn, đoạn đường dài hàng trăm mét với bờ taluy cao hàng chục mét trên tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng sạt, lở, đất đá đổ xuống đường từng mảng to, cục nhỏ gây mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực.

Đất đá đổ xuống đường từng mảng to, cục lớn
Đất đá đổ xuống đường từng mảng to, cục lớn

Chị Trương Thị Hương Giang, một người dân tại thôn Nam Mẫu 1 chia sẻ: “Tôi thì khi nào có việc mới đi qua tuyến đường ấy. Nói thật mỗi khi có mưa lớn, bà con trong thôn, trong xã khi đi qua đó đều rất lo lắng bị núi lở, đá đè. Trời tạnh ráo còn sợ, chứ mưa bão càng khiếp!”.

Tuyến đường Khe Giang - Thượng Yên Công sạt lở cả hai bên đường
Tuyến đường Khe Giang - Thượng Yên Công sạt lở cả hai bên đường

Đặc biệt, tại khu vực này, có hệ thống cột điện khá dày. Do đất, đá bị sạt, lở sau các trận mưa lớn, nên chân một số cột điện đã trở lên chênh vênh bên bờ vực. Nếu không có biện pháp xử lý sớm nhiều cột điện có thể bị kéo sập xuống tuyến đường….Hệ thống rãnh thoát nước thì bị đất, đá vùi kín, khiến nước và bùn tràn ra đường lênh láng.

Anh Trương Văn Nam, thôn Nam Mẫu 1 cho biết: “Bà con đã kiến nghị sớm đầu tư nâng cấp, khắc phục tình trạng sạt, lở để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản. Thế nhưng, nhiều năm nay rồi, chưa thấy triển khai, nên mỗi khi có mưa lớn, rất ít người dám liều lĩnh đi qua tuyến đường này…”.

Chậm trễ khắc phục

Nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông kết nối vùng trung tâm với xã đồng bào DTTS và miền núi, tháng 5/2018, chính quyền địa phương đã triển khai thi công tuyến Khe Giang – Thượng Yên Công, với tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng từ 5/2020.

Trên thực tế, tuyến đường Khe Giang – Thượng Yên Công không chỉ đáp ứng được như cầu đi lại của người dân địa phương, kết nối các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn TP Uông Bí, mà còn tạo thuận lợi cho các phương tiện vận tải rác vào nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại Khe Giang.

Vậy mà, đã từ nhiều năm nay, mỗi khi có mưa lớn, trên tuyến đường lại xuất hiện vị trí sạt, lở rất nguy hiểm cho người, phương tiện lưu thông… Điển hình như sau trận mưa ngày 26 và 27/9 vừa qua, tại đây đã xảy ra diểm sạt, lở hàng trăm mét khối đất đá, gây ách tắc cục bố toàn tuyến.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lê Tuấn Vinh, Phó Chủ tịch UBND Thượng Yên Công cho biết, mỗi khi xảy ra sự cố trên tuyến đường, chính quyền địa phương đã bố trí đặt biển cảnh báo nguy hiểm và trực 24/24 để xử lý kịp thời khi có tình huống xấu…

“Trước kiến nghị của cử tri và Nhân dân, cuối năm 2022, UBND TP. Uông Bí đã bố trí nguồn vốn 11 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt, trượt trên tuyến đường và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay việc thi công vẫn chưa thực hiện được.Trước mắt, chính quyền vẫn phải xử lý tạm thời việc xúc, dọn đất, đá mỗi khi có sạt, lở…”, ông Vinh nhấn mạnh.

Hi vọng rằng, chính quyền và các cơ quan chức năng nhanh chóng có phương án để xử lý kịp thời khắc phục tình trạng sạt lở tuyến đường Khe Giang, đảm bảo an toàn cho người dân địa phương và khách du lịch.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.