Hệ thống có “một không hai”
Gần 3 năm trở lại đây, người dân xã Phước Thành vui mừng, bởi tìm tòi ra được hệ thống bơm nước thủy lực để lấy nước từ trên đồi xuống tưới cho cây ăn quả, nhờ đó mà nhiều hộ từ nghèo khó giờ trở thành khá giả của địa phương. Người dân quen gọi hệ thống này “Có một không hai”, bởi trước kia chưa ai nghiên cứu ra.
Anh Mai Xuân Thạch ở thôn Ma Rớ, xã Phước Thành là một trong những người tiên phong của địa phương làm ra mô hình này cho biết: “Sau khi thi đại học luật tại TP. Hồ Chí Minh xong thì bố tôi qua đời, lúc này gia đình gặp khó khăn không có tiền đi học. Rời bỏ ước mơ trên giảng đường của mình tôi lên đây lập nghiệp”.
Anh Thạch bộc bạch, những ngày đầu mới lên đây gia đình chỉ trồng cây ngô, đậu nên phụ thuộc rất nhiều vào nước trời. Dần dần về sau thời tiết càng khắc nghiệt nên chuyện thiếu nước diễn ra thường xuyên, thậm chí nhiều vụ liên tục bị mất trắng. Từ đây, anh nảy sinh ý tưởng làm hệ thống bơm nước bằng thủy lực.
Nghĩ là làm, năm 2013 anh Thạch mạnh dạn đầu tư 60 triệu đồng mua ống về dẫn nước từ trên đồi xuống để tưới cho vườn cây ăn quả của mình. Ngay sau đó hệ thống đã phát huy được hiệu quả và đến nay hệ thống này đã tưới được cho 5ha cây ăn quả của gia đình.
Nét độc đáo của hệ thống
Anh Thạch chia sẻ, điều độc đáo của hệ thống bơm này không cần sử dụng nhiên liệu, chỉ lợi dụng độ cao và dựa vào lực đẩy của nước. Hệ thống tiết kiệm công lao động, tiết kiệm chi phí và tăng thu nhập cho gia đình. Phía trên đầu nguồn thiết kế ống to và càng về sau ống càng nhỏ dần, chính vì đó mà nước được dẫn xuống tận vườn. Độ cao chênh lệch dao động 27 - 30m tính từ vườn đến nơi dẫn nước.
Với 5ha cây trồng các loại anh tưới chia thành 3 giai đoạn, mỗi đợt tưới liên tục 7 - 10 ngày. Nhờ hệ thống bơm nước thủy lực mà tiết kiệm khoảng 2 triệu đồng/đợt, với 5ha mỗi tháng tiết kiệm khoảng 6 triệu đồng tiền nước tưới. Ngoài ra, hệ thống còn đưa nước phục vụ cho chăn nuôi và sử dụng sinh hoạt trong gia đình.
Anh Thạch phấn khởi cho hay, nếu không có hệ thống bươm nước thủy lực thì gia đình chắc không trụ được trên đây. Hệ thống thủy lực này chỉ phục vụ từ tháng 11 âm lịch năm trước đến khoảng tháng 6, 7 năm sau, thời gian còn lại có mưa nên không cần sử dụng.
Riêng năm 2019, vườn chuối của gia đình của anh Thạch cho thu nhập cao, với giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, mỗi tháng bán 2 đợt thu nhập 10 triệu đồng/tháng và khoảng 120 triệu đồng/năm. Dự kiến trong thời gian tới anh tiếp tục mở rộng trồng cây ăn quả và kết hợp thêm chăn nuôi.
Tương tự, trước đây gia đình anh Lê Thiên Hòa (cùng trú địa phương) cũng nằm trong tình trạng khó khăn về nguồn nước, nhất là vào mùa hạn. Qua sự tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu anh đã cho ra đời một hệ thống bơm thủy lực để lấy nước tưới cho cây trồng mà không cần sử dụng điện năng, nhiên liệu. Hệ thống của gia đình anh gồm (bể chứa, ống dẫn, ống xả). Hệ thống bơm thủy lực của gia đình anh đang phát huy hiệu quả, có thể bơm nước ở độ cao 15m, tưới cho trên 1,2ha vườn cây ăn trái.
Ông Katơr Ương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thành cho biết, đến nay, đã có trên 6 hộ áp dụng hệ thống bơm thủy lực bằng ống nhựa và hệ thống này có nhiều ưu điểm, có thể dẫn qua nhiều đồi núi mà không hề lãng phí nước. Nhờ có hệ thống này mà nhiều hộ chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả có giá trị, từ đó có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
(Bài viết thuộc chuyên đề Khuyến nông cùng đồng bào DTTS)