Gần đây nhất, ngày 11/8/2019, một gia đình 3 người ở thôn Háng Tầu, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã cùng một lúc bị sét đánh chết và ngày 15/8/2019, một người đàn ông ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) và 1 bé gái 6 tuổi ở xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh (Hà Giang) đã bị sét đánh chết. Đó là chưa kể còn hàng trăm súc vật, chủ yếu là đại gia súc, bị sét đánh chết, trong lúc chăn thả ở ngoài đồng.
Điều lo lắng là, nhiều trường hợp bị sét đánh là do không có kỹ năng tránh sét. Điển hình, chiều ngày 16/5/2009, một nhóm nông dân ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đang gặt lúa thì gặp cơn mưa. Mọi người chạy vào trú mưa trong một cái lều, dưới gốc cây to ở ngoài đồng. Một tia sét đã đánh trúng lều làm 6 người chết và hơn một chục người khác bị thương nặng.
Theo các chuyên gia về khí tượng thủy văn, Việt Nam là một đất nước nhiệt đới, nên mưa giông kèm theo sét xảy ra khá nhiều. Qua thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 100 ngày có giông kèm theo sấm sét. Số giờ giông hằng năm lên tới con số 250 giờ với hơn 2 triệu lượt sét đánh.
Thế nhưng theo một khảo sát gần đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tới 80% số người được hỏi đã không biết gì về sét và cách phòng tránh sét. Bởi vậy, tai nạn do sét còn xuất phát từ chính việc thiếu thông tin và kỹ năng phòng tránh. Do đó, thời gian tới, các cấp ngành chức năng cần tăng cường thông tin tuyên truyền về kiến thức này.
Để phòng tránh sét, người dân cần chú ý rút hết phích cắm của các thiết bị dùng điện như tivi, máy giặt, tủ lạnh… và tuyệt đối không dùng điện thoại trong lúc đang có giông sét, mưa bão. Ở ngoài đồng, gặp mưa kèm theo giông sét thì tuyệt đối không được tránh mưa ở dưới gốc những cây cao hay vật nhô cao ở giữa đồng, tránh trú mưa ở cạnh những tòa nhà nhiều tầng, và đặc biệt là hãy tránh càng xa càng tốt những vật liệu hay đồ dùng bằng kim loại…